Dưa muối sang Nhật, cà pháo, mắm tôm... đi Mỹ

19/03/2023 07:00 GMT+7

Không chỉ nông sản, giờ đây rất nhiều các món ăn dân dã, truyền thống của VN cũng thâm nhập những thị trường khó tính, mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Không cần lo đầu ra

Có lẽ nhiều người không tin được rằng các món ăn dân dã của Việt Nam như củ cải muối, kiệu muối, măng muối, gừng muối đang là những sản phẩm được các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tích cực đầu tư sản xuất, sơ chế tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu theo đường biển đưa trở về tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.

Sau lô hàng 18 tấn củ cải muối đầu tiên của tỉnh Hà Giang xuất khẩu sang Nhật Bản ngày 15.1, đến ngày 10.2 vừa qua, Công ty Việt Nam Misaki (vốn đầu tư Nhật Bản, đang có nhà máy tại tỉnh Bắc Kạn) tiếp tục đưa thêm lô hàng thứ hai. Sản phẩm củ cải muối này là thành quả của chuỗi liên kết, hợp tác giữa Công ty Việt Nam Misaki với 15 hộ nông dân xã Xín Mần, H.Xín Mần (tỉnh Hà Giang).

Theo ông Hoàng Văn Mơi, Chủ tịch HTX Mơi Hạnh (xã Xín Mần), cách đây hơn 2 năm, DN đã đưa chuyên gia người Nhật đến địa phương trực tiếp khảo sát đất, khí hậu và nguồn nước. Sau đó, họ phối hợp với nông dân trồng thử nghiệm nhiều loại giống củ cải khác nhau. Sau 2 vụ thí điểm, chuyên gia Nhật đã chọn được giống phù hợp nhất với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Xín Mần. Ngay sau đó, DN ký hợp đồng với HTX Mơi Hạnh để bắt đầu sản xuất. "DN ứng trước giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân canh tác. Đến mùa thu hoạch, họ thu mua toàn bộ sản lượng thu hoạch được, không phân biệt củ cải to hay nhỏ", ông Mơi cho biết.

Cũng theo ông Mơi, củ cải mỗi năm trồng được 2 vụ, mỗi vụ khoảng 100 ngày là cho thu hoạch. Củ cải hợp khí hậu, thổ nhưỡng cho năng suất rất cao, đạt từ 60 - 70 tấn/ha. Giá bán theo hợp đồng là 2.000 đồng/kg, tính ra trung bình mỗi ha đạt doanh thu 120 - 140 triệu đồng. "Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí, nhân công thì chúng tôi vẫn có lãi hơn 50%, cao gấp 4 lần so với trồng ngô và không phải lo lắng về đầu ra tiêu thụ như trước đây", ông Mơi nói.

Ông Tráng Văn Kinh, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Xín Mần, cho biết ngoài củ cải, Công ty Việt Nam Misaki đang liên kết với hàng chục hộ nông dân trồng gừng trâu Nhật Bản với diện tích 20 ha, củ kiệu

20 ha và khoảng 100 - 150 ha măng tre Bát Độ. DN cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận với nông dân để vận chuyển nông sản về cơ sở sơ chế để chế biến thành sản phẩm dưa muối, đóng gói xuất khẩu sang Nhật Bản. "Những cây trồng này nông dân từng trồng cả rồi nhưng trước đây cứ đến mùa thì rất loay hoay, bế tắc trong khâu tiêu thụ, nay bà con yên tâm sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ đã có thu nhập cao. Theo lộ trình đến năm 2025, DN này tiếp tục đầu tư một cơ sở chế biến sản phẩm đặt tại xã Xín Mần, với quy mô diện tích khoảng 4.000 m2, công suất mỗi năm trên 1.000 tấn sản phẩm", ông Kinh nói.

Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty Việt Nam Misaki, thông tin: Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2017, vùng nguyên liệu của Công ty Việt Nam Misaki liên tục mở rộng, hiện đã hiện diện ở khắp các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng và Yên Bái với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Các cây trồng phổ biến là mơ, măng tre Bát Độ, củ cải, kiệu, gừng, dưa chuột… Đáng chú ý, sản phẩm dưa muối sản xuất tại Việt Nam không chỉ được đưa về Nhật Bản mà còn được xuất khẩu thành công vào Hàn Quốc, Singapore. "Trước đây, mỗi tuần chúng tôi chỉ xuất khẩu 5 - 6 container thì hiện nay công suất tăng lên 7 - 10 container; dự kiến năm nay sẽ tiếp tục mở rộng diện tích các vùng nguyên liệu", bà Lập cho hay.

Dưa muối sang Nhật, cà pháo, mắm tôm... đi Mỹ - Ảnh 1.

Đóng gói các sản phẩm dưa muối tại Công ty Việt Nam Misaki để đưa sang Nhật Bản

Hoàng Lập

Món ăn Việt lên sàn Amazon

Với suy nghĩ "kim chi Hàn Quốc có thể đi khắp thế giới thì cà pháo Việt Nam cũng có thể chinh phục khách hàng thế giới", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), từ giữa năm 2022 tất bật chuẩn bị xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ gồm cà pháo muối, mắm ruốc, mắm tôm chua, dưa món, bánh bột lọc, bánh nậm… Trong năm đầu tiên xuất khẩu, Sông Hương Foods đạt giá trị 260.000 USD nhưng chỉ mới qua 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các loại đặc sản của công ty đã đạt tới 240.000 USD và dự kiến cả năm sẽ là 1,5 - 2 triệu USD. 

"Hiện chúng tôi đã mở rộng sang các thị trường như Canada, Nhật, Úc và đang chuẩn bị thủ tục để đưa sản phẩm sang Nga, Campuchia và đặc biệt là châu Âu. Cái khó nhất khi đưa đặc sản Việt Nam ra thế giới chính là các tiêu chuẩn quy chuẩn của các nước nhập khẩu, mỗi nơi một kiểu và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Riêng một bộ hồ sơ cho một sản phẩm vào Mỹ mất ít nhất 6 tháng", ông Tuấn nói.

Dưa muối có tiềm năng lớn ở thị trường Nhật Bản

Trước đây, sản phẩm dưa muối Việt Nam chất lượng không đồng đều, khối lượng không đủ lớn và chi phí sản xuất, giá thành cao nên rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước. Nếu như tổ chức liên kết tốt để xây dựng những vùng nguyên liệu quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa, giảm bớt nhân công, giảm chi phí, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo cung ứng sản phẩm số lượng lớn, có giá cả cạnh tranh thì sản phẩm dưa muối của Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng được thị phần xuất khẩu và có vị thế ở thị trường Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản

Cà pháo thì không thể thiếu... mắm tôm. Mấy năm gần đây, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa) cũng đã xuất khẩu được mắm tôm sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, CH Czech… Thấy cung ít cầu triển vọng, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty Lê Gia, còn có kế hoạch mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon. "Sản phẩm truyền thống, chỉ sử dụng muối và tép biển tươi, không sử dụng phụ gia và các chất khác nên khi đối tác nhận mẫu đi xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu", ông thông tin.

Ông Lưu Hoàng Điểu, Chủ tịch UBND xã Gia Phú (H.Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), thì xác nhận từ giữa tháng 2 địa phương này đã tổ chức xuất khẩu lô hàng 7,5 tấn đậu đũa ngâm muối đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là giống đậu đũa cao sản được trồng tại xã Gia Phú với diện tích khoảng 1 ha. Sau khi thu hoạch, HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Lục (xã Gia Phú) thu mua toàn bộ để chế biến thành đậu đũa ngâm muối. Sản phẩm sau đó được kiểm nghiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không tồn dư hóa chất, đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2022, mỗi héc ta đậu đũa trồng trái vụ từ tháng 9 - 11 đạt sản lượng khoảng 27 tấn (chính vụ khoảng 30 tấn), giúp nông dân thu nhập từ 160 - 180 triệu đồng.

Dưa muối sang Nhật, cà pháo, mắm tôm... đi Mỹ - Ảnh 3.

Khách hàng quốc tế thích thú với các sản phẩm đặc sản Việt Nam được giới thiệu tại Foodex Japan 2023

C.T.V

Quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới

Vừa trở về từ hội chợ Foodex Japan 2023 (một trong những hội chợ thực phẩm và đồ uống hàng đầu châu Á), chị Mai Thị Thu Trang, Giám đốc phát triển Công ty cổ phần K.Products, khoe: Cùng với nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam, các sản phẩm phở, bún bò Huế, bún riêu cua hay cá kho làng Vũ Đại của K.Products nhận được sự quan tâm và phản hồi rất tích cực; đặc biệt là từ các nhà nhập khẩu, phân phối và truyền thông. 

"Sản phẩm của chúng tôi được Nikkei giới thiệu. Bên cạnh đó, nhà phân phối lớn như Aeon sẽ thử nghiệm giới thiệu sản phẩm của chúng tôi tại 25 cửa hàng ở Hokkaido. Không chỉ khách hàng Nhật, tại hội chợ này các nhà nhập khẩu đến từ Trung Quốc cũng rất quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi và bỏ khoảng hơn 20 phút tìm hiểu về sản phẩm và lên lịch hẹn. Cuối tháng 3 này, cơ sở sản xuất của K.Products sẽ tiếp đoàn của hệ thống Family Mart từ công ty mẹ ở Nhật Bản sang làm việc và bàn kế hoạch hợp tác để đưa sản phẩm lên hệ thống siêu thị này ở cả Việt Nam và Nhật Bản", chị Trang hồ hởi thông báo.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: Sau 4 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, tại hội chợ lần này Việt Nam có gần 100 DN tham gia trở lại. Đặc biệt, nhóm sản phẩm thực phẩm, rau quả chế biến của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm để chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. "Nhiều nhóm sản phẩm được đối tác Nhật Bản rất quan tâm và có cơ hội tăng nhanh về sản lượng như giò, chả, phở ăn liền... Đặc biệt, các DN Việt Nam có bước tiến dài về thiết kế, bao bì, mẫu mã để chinh phục thị trường khó tính nhất thế giới này", ông Minh nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.