Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Người Thầy tình báo bí ẩn:

Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Người Thầy tình báo bí ẩn

11/02/2023 06:43 GMT+7

Năm 2004, Báo Thanh Niên có đăng loạt ký sự "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng".

Lần đầu tiên công chúng biết đến vị tướng bí ẩn này, nhưng chỉ biết một nửa. Và nay cũng lần đầu tiên, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người học trò của ông, sẽ công bố những bí ẩn còn lại.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong 13 năm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nổi tiếng với bản lĩnh vừa sắc sảo vừa mềm dẻo vừa kiên định trong quan hệ đối ngoại. Trước đó, ông từng 10 năm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng (Tổng cục 2).

Nhưng ít ai biết Nguyễn Chí Vịnh từng "khai gian" tuổi. Trong giấy tờ lý lịch chính thức ông sinh năm 1957, nhưng thực tế ông sinh năm 1959. Tôi hỏi ông: "Ông khai vống lên 2 tuổi để làm gì ?".

Người học trò đắc ý của người thầy lỗi lạc - Ảnh 1.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh thời còn trẻ và ông Ba Quốc

T.L

Ông kể: "Khi tôi xin đi bộ đội thì mới có 17 tuổi, nếu khai tuổi thật người ta không cho nhập ngũ, nên phải khai thêm 2 tuổi. Hỏi: "Sau này Đảng và Nhà nước có cho điều chỉnh tuổi, sao ông không điều chỉnh?". Ông cười: "Tôi để vậy không điều chỉnh, kẻo người ta lại nghĩ mình chạy tuổi thì buồn lắm".

Ông là con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông sinh ngày nào tháng nào năm nào, sinh tại đâu tổ chức đều biết rõ. Sau khi vị đại tướng lừng danh qua đời, ông Vịnh được cụ Hồ và các bậc trưởng thượng của Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh… rất quan tâm. Nhưng ông đã "qua mặt" các bậc tiền bối để sớm được ra chiến trường nối bước cha mình, ông không hề ân hận khi khai vống tuổi cũng như không hề hối tiếc khi về hưu trước tuổi thật.

Sau khi học xong sĩ quan, ông không chọn con đường thuận lợi. Ông phải năn nỉ mãi mới được đưa sang chiến trường Campuchia và bắt đầu con đường binh nghiệp bằng hoạt động tình báo. Tướng Lê Đức Anh, lúc đó là Tư lệnh quân tình nguyện VN tại Campuchia, đã "gửi" ông Vịnh đến công tác tại một đơn vị đặc biệt, dưới quyền của một sĩ quan chỉ huy tình báo lừng lẫy nhưng hoàn toàn bí ẩn: Ba Quốc. Giữa chiến trường thầm lặng và khắc nghiệt, được sự dìu dắt của người chỉ huy và là người thầy khắc nghiệt, ông Vịnh đã trưởng thành.

Nhà tình báo siêu hạng

Còn nhớ vào năm 2004, Báo Thanh Niên đăng loạt ký sự 36 kỳ "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng". Ông là thiếu tướng - Anh hùng quân đội nhân dân VN tên Đặng Trần Đức, đồng đội gọi ông là Ba Quốc, đó chính là người thầy của tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ông là vị tướng tình báo bí ẩn nhất. Ngoài những cán bộ có trách nhiệm trong ngành tình báo và một số ít vị lãnh đạo cấp cao phụ trách quốc phòng và an ninh, không ai biết gì về ông. Lần đầu tiên công chúng biết về ông là từ loạt ký sự trên.

Hơn 20 năm hoạt động "trong lòng" đối phương, ông là điệp viên duy nhất thâm nhập được vào cơ quan tình báo cao cấp nhất của chính quyền Sài Gòn, với tư cách là sĩ quan tình báo làm việc tại cơ quan mật vụ Phủ tổng thống và Phủ đặc ủy Trung ương tình báo. Trong những điệp vụ siêu hạng đó, ông đã giải cứu Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư) và 9 Đặc khu ủy viên Sài Gòn - Gia Định thoát khỏi sự truy bắt của mật vụ, đã cứu quốc vương Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, đã xóa sạch tất cả các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc, đã cung cấp về tổng hành dinh những báo cáo quân sự quan trọng của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, phát hiện nhiều kẻ phản bội trong hàng ngũ của ta…

Người học trò đắc ý của người thầy lỗi lạc - Ảnh 2.

Bìa sách Người Thầy

QĐND

Những điệp vụ siêu hạng cùng những hoạt động gay cấn khác của ông trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi đã tường thuật trong loạt ký sự nói trên. Nhưng quãng đời từ sau năm 1975 đến khi ông qua đời (2004) là 29 năm, cho đến nay vẫn hoàn toàn bí ẩn.

20 năm trước, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đưa chúng tôi đến gặp ông Ba Quốc. Ông Vịnh phải bảo lãnh tư cách của chúng tôi, ông Ba Quốc mới đồng ý để chúng tôi viết về cuộc đời hoạt động của ông. Trước đó, chúng tôi đã nhờ một số nhà tình báo lão thành bạn ông, nhưng ông đều từ chối với lý do hãy để những chuyện của ông rơi vào quên lãng.

Đồng ý để chúng tôi viết, nhưng về giai đoạn sau năm 1975, ông Ba Quốc kiên quyết không kể điều gì, mặc dù các nhà tình báo lão thành bạn ông bảo giai đoạn này hoạt động của ông còn lừng lẫy không kém thời kỳ chống Mỹ, thậm chí xuất sắc và có nhiều cống hiến hơn. Đây là thời kỳ ông chỉ huy tình báo trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, 10 năm giúp bạn Campuchia và xây dựng lực lượng tình báo quân sự đa dạng để đối phó với tình hình sau khi Liên Xô sụp đổ.

Là người lãnh đạo cơ quan tình báo phía nam suốt 20 năm, ông Ba Quốc đã đào tạo một thế hệ cán bộ tình báo mà những người trong ngành gọi là "thế hệ học trò ông Ba Quốc". Trong đó, Nguyễn Chí Vịnh là người ông Ba Quốc đắc ý nhất. Ông Vịnh nói bản thân vô cùng biết ơn số phận đã cho ông cơ hội được làm học trò của ông Ba Quốc.

Cuốn sách của lòng biết ơn

Để kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Ba Quốc và tưởng nhớ lần thứ 20 ngày ông Ba Quốc qua đời, tướng Nguyễn Chí Vịnh viết cuốn sách Người Thầy nói về những cống hiến của ông Ba Quốc và kể lại những kỷ niệm khó quên giữa hai thầy trò. Đây sẽ là lần đầu tiên công chúng biết từ sau năm 1975 ông Ba Quốc đã làm những gì và có công lao đặc biệt gì trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tướng Vịnh đã sống và hoạt động nhiều năm với ông Ba Quốc trên chiến trường âm thầm dầu sôi lửa bỏng. Từ một trợ lý của ông Ba Quốc, ông Nguyễn Chí Vịnh đã trưởng thành và lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Phó phòng, Trưởng phòng, Cục phó, Cục trưởng, Tổng cục phó, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng (2000-2009), là Ủy viên T.Ư Đảng (khóa XI, XII), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2009-2021). Lúc ông Ba Quốc từ trần (26.3.2004), tôi không bao giờ quên được hình ảnh tướng Vịnh khóc nức nở như một đứa trẻ khi đọc điếu văn tiễn đưa người thầy của mình.

Trước khi cuốn sách Người Thầy của tướng Nguyễn Chí Vịnh phát hành, ông đề nghị chúng tôi tập hợp loạt ký sự "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" để in thành sách và bổ sung thêm phần "Hai mươi năm nhìn lại" do ông cung cấp thông tin.

Cuốn sách của tướng Vịnh kể về người thầy của mình với lòng ngưỡng mộ và biết ơn trọn vẹn. Và qua đó, những ai từng đọc "Ông tướng tình báo bí ẩn…" sẽ biết thêm đầy đủ cuộc đời của một vị tướng tình báo anh hùng. Cuốn sách của ông cũng góp phần bảo tồn những di sản của nghệ thuật quân sự - chính trị Việt Nam và chuyển tải chúng qua các thế hệ.

Thanh Niên sẽ lần lượt giới thiệu một số nội dung mà bạn đọc quan tâm trong cuốn sách hấp dẫn này trong thời gian tới.

Loạt bài "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" có thể tìm đọc TẠI ĐÂY.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.