Tưởng niệm người giữ biển - Kỳ 3: Lên tiếng về mối nguy chung

12/03/2015 20:01 GMT+7

(TNO) Đầu năm 1988, vừa xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Gạc Ma, Trường Sa, Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố bịa đặt về việc các tàu vũ trang Việt Nam xâm phạm trái phép vào cái mà họ gọi là “vùng biển Nam Sa”. Khi ấy, dư luận quốc tế hầu như không để tâm đến sự kiện cưỡng chiếm Gạc Ma và điều đó góp phần để lại hậu quả là mối nguy chung cho an ninh khu vực đến tận 27 năm sau.

(TNO) Đầu năm 1988, vừa xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Gạc Ma, Trường Sa, Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố bịa đặt về việc các tàu vũ trang Việt Nam xâm phạm trái phép vào cái mà họ gọi là “vùng biển Nam Sa”. Khi ấy, dư luận quốc tế hầu như không để tâm đến sự kiện cưỡng chiếm Gạc Ma và điều đó góp phần để lại hậu quả là mối nguy chung cho an ninh khu vực đến tận 27 năm sau.

Thư Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc ngày 16.3 đính kèm nội dung công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối sự kiện Gạc Ma – Ảnh chụp lại từ tư liệu do Đại sự ký Biển Đông cung cấp
Trong thư Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc có đính kèm nội dung công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối sự kiện Gạc Ma – Ảnh chụp lại từ tư liệu do Đại sự ký Biển Đông cung cấp
Vu cáo trắng trợn
Được sự đồng ý của Đại sự ký Biển Đông, Thanh Niên Online có được những tư liệu của Việt Nam và của Trung Quốc công bố về vụ xả súng cưỡng chiếm Gạc Ma của quân Trung Quốc.
Một ngày sau khi diễn ra sự kiện, thư Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc (ngày 15.3.1988) có nội dung: “Sau các hành động vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam từ tháng 1.1988 ở hai bãi đá Chữ Thập và Châu Viên, gần đây nhất, hôm 14.3.1988, chính quyền Trung Quốc đã đưa nhiều tàu chiến khiêu khích và nổ súng nhằm vào các tàu của Việt Nam ở bãi san hô Gạc Ma gần đảo Sinh Tồn. Các tàu chiến Trung Quốc, trong khi đang hoạt động trái phép cũng ngăn cản các hoạt động bình thường của tàu Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển quốc tế. Lý lẽ trong thư Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ngày 14.3.1988 là hoàn toàn trái với sự thật. Trong tuyên bố của mình hôm 14.3.1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã kịch liệt lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc”.
Nội dung tiếp theo là: “Bất chấp sự phản đối từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự quan ngại công khai của thế giới với các quốc gia có biên giới ở biển Đông, trái với những khát vọng về việc cùng tổn tại hữu nghị của nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, những hành động nói trên một lần nữa cho thấy chính quyền Trung Quốc đã ngang ngược dùng vũ lực để mở rộng khả năng xung đột ở quần đảo Trường Sa. Những hành động này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường và các báo động lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam một lần nữa tái khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chính phủ và nhân dân Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động khiêu khích vũ trang và xâm nhập chủ quyền Việt Nam của chính quyền Trung Quốc. Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Phía Việt Nam yêu cầu: “Phía Trung Quốc phải ngay lập tức chấm dứt tất cả các hành động khiêu khích vũ trang và rút tàu chiến của mình khỏi vùng biển ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các hậu quả từ hành động khiêu khích vũ trang của mình”.
Phía Trung Quốc ngang ngược khi phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kèm theo thư Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ngày 14.3.1988.
Nội dung thư vu khống: “Ngày 14.3.1988, các tàu vũ trang của Việt Nam đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tấn công vũ trang các tàu của Trung Quốc lúc đó đang thực hiện các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và tuần tra ở vùng biển xung quanh bãi đá Xích Qua Tiều thuộc quần đảo Nam Sa. Các tàu Trung Quốc đã phản công tự vệ. Bất chấp các tuyên bố từ Chính phủ Trung Quốc, chính quyền Việt Nam tiếp tục cử quân sang xâm chiếm đảo và các rạn san hô thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, với các hành động khiêu khích quân sự của các tàu vũ trang Việt Nam nhằm vào các tàu Trung Quốc trong nỗ lực gây căng thẳng ở vùng biển này. Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ”.
Phía Trung Quốc ngang ngược yêu cầu: “Giới chức Việt Nam phải ngay lập tức ngừng các hành động khiêu khích vũ trang chống lại Trung Quốc trong vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa, rút khỏi các đảo, rạn san hô và các vùng nước liền kề. Nếu không, họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các hậu quả phát sinh”.
Không thể im lặng
Cách đây hai năm, trước khi diễn ra một hội thảo về biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Washington), đoạn phim ngắn trên YouTube về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988 được trình chiếu cho các đại biểu quốc tế xem.
GS Carl Thayer - Ảnh: Reuters
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cũng tham gia hội thảo này. Ông nhớ lại, sau khi trình bày xong tham luận của mình, đã nhận được những câu chất vấn không mấy thiện chí từ các đại biểu Trung Quốc.
Tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Gạc Ma ở Trường Sa - Ảnh: Trung Hiếu
“Tôi phản hồi bằng cách chỉ lên tường, nơi đoạn phim về trận chiến Gạc Ma vừa được trình chiếu”, ông Thayer nói với Thanh Niên Online. “Qua đó, tôi công khai thể hiện quan điểm của mình với các đại biểu quốc tế đang tham dự hội thảo: Trung Quốc đã thảm sát lực lượng Hải quân Việt Nam trong trận hải chiến đó”.

Tôi phản hồi bằng cách chỉ lên tường, nơi đoạn phim về trận chiến Gạc Ma vừa được trình chiếu. Qua đó, tôi công khai thể hiện quan điểm của mình với các đại biểu quốc tế đang tham dự hội thảo: Trung Quốc đã thảm sát lực lượng Hải quân Việt Nam trong trận hải chiến đó

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc


“Sự im lặng của cộng đồng quốc tế khi đó - tựa như đồng thuận với Bắc Kinh - đã để lại hậu quả cho đến tận 27 năm sau. Bởi lẽ, chính sự im lặng đó đã vô hình trung cho phép Trung Quốc tiếp tục chiếm các bãi đá, đá ngầm, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi trên quần đảo Trường Sa và tuyên bố luôn cái gọi là chủ quyền của họ tại đó. Hành vi sai trái ấy kéo dài cho đến tận hôm nay”, ông Thayer nhận định.

GS Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, nói với Thanh Niên Online: “Theo tôi, việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đất để xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ cho một mục tiêu lớn hơn: từng bước đơn phương tuyên bố và thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế hiện nay đang nhìn nhận Trung Quốc không chỉ như một thế lực bành trướng thế lực mà họ còn đang tự cho phép mình viết lại các chuẩn mực quốc tế”.
Ông Abuza nhận định: “Các hành vi xây đảo trên Trường Sa không gây căng thẳng như hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 nên không đơn giản thu hút cộng đồng quốc tế can thiệp. Do vậy, nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc, không còn cách nào khác là các nước ASEAN phải lên tiếng, phải thực sự xem các hành vi nêu trên là mối nguy chung và để lại hậu quả lâu dài. Bài học từ sự kiện Gạc Ma là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.