Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa biết diện mạo của vua Hùng như thế nào. Tuy nhiên theo tôi, nếu làm thì phải tôn vinh giá trị văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và ý thức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Điêu khắc gia Lâm Quang Nới nêu ý kiến: “Rất buồn là vẫn có nơi làm tượng vua Hùng đứng hai bên đón khách hay muốn vào nơi thờ phải bước qua 18 bậc cầu thang như bước qua các đời của vua Hùng... Như vậy là không ổn”.
Đại diện Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế mong tượng đài của các vua Hùng phải được quy hoạch chi tiết. Ngoài việc chọn Phú Thọ thì nên chọn ở Huế. Còn bà Phan Gia Hương, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, đề nghị: “Tượng đài, tượng ngoài trời của Quốc tổ Hùng Vương nên ưu tiên đặt tại Phú Thọ, còn tùy theo kinh phí có thể thêm hai TP lớn là Huế và TP.HCM. Hội đồng thẩm định phải là người có chuyên môn”.
Nhiều ý kiến phân tích rất thấu đáo những bất cập hiện nay: Vua Hùng là nhân vật huyền sử cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, chỉ có một vài dữ liệu. Hình ảnh minh họa, sách viết về vua Hùng rất mơ hồ, chung chung. Ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ nhằm khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn và các nhà khảo cổ hay sử học VN vẫn chưa có lời giải lẫn minh chứng. Do đó, việc sáng tác hình tượng vua Hùng thường theo ý nghĩ chủ quan của nghệ nhân hay dựa theo mẫu tượng nào đã có sẵn để chép lại nên còn nhiều mặt hạn chế về thẩm mỹ khi thể hiện.
Bình luận (0)