Tường thuật của phóng viên Thanh Niên từ Hoàng Sa: Xuất hiện tàu chuyển quân Trung Quốc

15/05/2014 06:00 GMT+7

Cả ngày hôm qua, từ Hoàng Sa, PV Báo Thanh Niên và lực lượng CSB VN liên tục ghi nhận những xung đột căng thẳng do tàu và máy bay tuần thám biển Trung Quốc gây ra.

Cả ngày hôm qua, từ Hoàng Sa, PV Báo Thanh Niên và lực lượng CSB VN liên tục ghi nhận những xung đột căng thẳng do tàu và máy bay tuần thám biển Trung Quốc gây ra.

Trong đó, tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46001 ngang ngược lao tới đâm vào mạn trái tàu CSB VN 4032 làm gãy 10 m lan can và hư hỏng 3 thông gió. Ngoài ra, tàu kiểm ngư VN 774 cũng bị vòi rồng của tàu Trung Quốc làm bể kính. Từ xa, có thể thấy được những vết kính loang lổ, rơi vãi trên tàu.

Đặc biệt, theo lực lượng CSB VN, xung quanh khu vực đặt giàn khoan Hải Dương - 981 đã thấy xuất hiện nhiều tàu ngư dân của Trung Quốc, trong đó tàu quân sự chuyển quân của lực lượng này cũng đã có mặt.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục tàu Trung Quốc đã manh động, sẵn sàng lao thẳng mũi vào các tàu VN đang làm nhiệm vụ.

Trước tình hình này, các tàu CSB Việt Nam đã lập tức chia đội hình gồm 2 biên đội để đương đầu và tổ chức tuần tra, áp sát giàn khoan.

8 giờ 5, bất ngờ tàu Trung Quốc số hiệu 3441 đã lao thẳng vào, cản phá các biên đội tàu tuần tra của Việt Nam. Ngay lập tức, với sự tỉnh táo và khôn khéo, các tàu CSB Việt Nam đã lách tránh để không mắc mưu tàu Trung Quốc. Đến 8 giờ 15, khi biên đội tàu tuần tra của CSB Việt Nam còn cách giàn khoan chừng 8 hải lý thì một loạt tàu Trung Quốc tiếp tục lao thẳng vào để cản phá.

Lúc này, có khoảng 14 tàu Trung Quốc các loại cùng kiểm ngư, hải cảnh đều rất manh động sẵn sàng xông ra khi gặp tàu CSB Việt Nam. Một số tàu cơ động khác của Trung Quốc có động thái chuẩn bị phun vòi rồng, trong đó đặc biệt có chiếc hải cảnh 3411 rất hung hăng.

Cả hai bên đều ở thế giằng co kéo dài cho đến 8 giờ 45 thì bất ngờ tàu hải cảnh Trung Quốc cỡ lớn 31101 lao thẳng vào cản phá đội hình. Tàu này chĩa mũi vào thẳng tàu CSB Việt Nam 2013 với tốc độ cao, sẵn sàng nhả nước phun vòi rồng. Ngay lập tức, tàu CSB 2013 tăng tốc, lách tránh.

Tàu hải cảnh TQ 31101 chuyển hướng lao thẳng vào tàu CSB Việt Nam 4033, nơi PV Báo Thanh Niên đang có mặt với tốc độ cao. Nhẹ nhàng lách tránh, tàu CSB Việt Nam vòng ra sau đuôi tàu đối phương rồi tăng tốc chạy song song với nó.

Buổi chiều, những cuộc đụng độ lại tiếp diễn khi các biên đội tàu CSB tổ chức tuần tra, áp sát khu vực giàn khoan trái phép. Đặc biệt, lúc 15 giờ 55, máy bay tuần thám biển Trung Quốc xuất hiện, quần đảo nhiều vòng trên đầu tàu CSB 2013 đe dọa với tầm bay thấp.

Khi thấy đội hình 5 tàu CSB Việt Nam tiến sát đến giàn khoan, 6 tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc trong đó có 3 tàu là 3411, 46012 và 46001 làm mọi cách để ngăn cản và chắn đầu. Thậm chí, tàu hải cảnh 46001 lao vào tàu CSB 4032 với tốc độ rất cao.

Hành động của Tàu Trung Quốc rất thô bạo

Chứng kiến những hành động thô bạo và ngang ngược của Trung Quốc, PV Nasagai của Kyodo News (Nhật Bản) phải thốt lên: “Tàu Trung Quốc thô bạo cản phá đội hình tàu cảnh sát biển Việt Nam”.

Trong những ngày đi theo tàu CSB 4033 Việt Nam ra khu vực giàn khoan Hải Dương - 981, PV Nasagai cho biết anh đã nghe rất nhiều về hành động ngang ngược của các tàu Trung Quốc, tuy nhiên anh thật sự bị sốc với những gì tận mắt chứng kiến hằng ngày khi nó diễn ra trên biển Đông.

“Hành động của tàu Trung Quốc rất thô bạo và ngạo mạn, tôi không thể tin được là nó diễn ra như vậy” - Nasagai nói.

Tổng LĐLĐ Việt Nam lên án việc đập phá, kêu gọi thể hiện lòng yêu nước ôn hòa

Trước tình hình CN tại nhiều địa phương nghỉ làm, tuần hành phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển Việt Nam, hôm qua 14.5, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo cho công đoàn các cấp, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh, thành có khu công nghiệp tập trung đông CN, yêu cầu có biện pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) tham gia phản đối TQ vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Theo đó, Tổng LĐLĐ yêu cầu CNLĐ cả nước thể hiện lòng yêu nước một cách ôn hòa. Công đoàn ngành T.Ư, công đoàn các tổng công ty, chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương khi có những hành động quá khích của CN; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế để CNLĐ hiểu đúng tình hình, có hành động đúng đắn, đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư, đời sống, việc làm của người lao động.

Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Đặng Ngọc Tùng cho biết Tổng LĐLĐ đã cử đoàn công tác do Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính phụ trách vào nắm bắt và xử lý tình hình tại Bình Dương. Theo ông Tùng, việc CN thể hiện lòng yêu nước rất đáng hoan nghênh và trân trọng, nếu thể hiện lòng yêu nước đúng luật pháp sẽ tăng sức mạnh, nhưng nếu không đúng chúng ta tự hại chúng ta. “Quan điểm của Tổng LĐLĐ, việc đập phá là bất hợp pháp và chúng tôi lên án hành động này. Hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện tại, CN phải tập trung LĐ sản xuất trong các nhà máy thật tốt. Đó mới là cách thể hiện lòng yêu nước, chứ không phải kéo ra ngoài đường đi biểu tình hay đập phá nhà máy. Chúng ta không thể phản đối các nhà đầu tư, DN TQ làm ăn tại Việt Nam. Chính những nhà máy này, cùng với người VN đẩy mạnh kinh tế đất nước”, ông Tùng nhấn mạnh.

T.Hằng

Hoàng Sơn

>> Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông
>> Biển Đông lại căng thẳng
>> Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng ở biển Đông
>> Trung Quốc nói Mỹ 'kích động một số nước' gây căng thẳng ở biển Đông
>> Tiếp tục 'Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông
>> Mỹ, Trung Quốc sẽ bàn về tranh chấp biển Đông vào đầu tháng 7
>> Tiếp tục đồng lòng hướng về biển Đông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.