Tường thuật từ Hồng Kông: Sinh viên mệt mỏi bám trụ

04/10/2014 17:30 GMT+7

(TNO) “Dù kết quả thế nào đi nữa chúng tôi cũng vui vẻ vì đã trở thành một phần của lịch sử đòi dân chủ của giới trẻ ở Hồng Kông”, Julia Lai, 19 tuổi, sinh viên trường Đại học Lĩnh Nam nói, khi cuộc kháng nghị trên đường phố dần yếu đi.

Ngày 4.10, các cuộc biểu tình trên đường phố Hồng Kông ở các khu Admiralty, Central, Causeway Bay (bên đảo Hồng Kông) và khu Mong Kok (bên bán đảo Cửu Long) đã bước sang ngày thứ bảy. Lượng người biểu tình giảm đáng kể, đặc biệt, khu vực quanh tòa nhà chính quyền Hồng Kông vắng hơn các hôm trước rất nhiều.

Khung cảnh trước khu vực tòa nhà làm việc của Đặc khu trưởng Hồng Kông sáng 4.10. Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Có lẽ cuộc biểu tình dài ngày trên đường phố đã làm nhiều người mỏi mệt. Những người còn bám trụ phần lớn là học sinh, sinh viên. Số lượng các bạn trẻ có việc làm tham gia biểu tình giảm rõ rệt. Một số bạn trẻ mà tôi gặp tin rằng cuộc biểu tình có thể kết thúc trong tuần tới. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn mang biểu ngữ động viên mọi người vững tin, tiếp tục bám trụ.

Ba sinh viên mà tôi gặp sáng nay, 4.10, trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông cho biết nhiệm vụ của họ là canh chừng các cảnh sát. Họ cho rằng cảnh sát sẽ tái chiếm các con đường khi số lượng người biểu tình đang giảm xuống.

 Zachary Leung (trái), Julia Lai (giữa) và Ivan Lau (phải) đều là sinh viên của trường Đại học Lĩnh Nam. - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Zachary Leung, 22 tuổi, từng bị cảnh sát bắn hơi cay vào đêm 28.9, cho biết sẽ quyết tâm bám trụ với mục tiêu của mình khi xuống đường mỗi ngày. Còn Ivan Lau, 19 tuổi, cho biết mình xuống đường vì tin rằng người trẻ phải dũng cảm thể hiện quan điểm.

Trong khi đó, Julia Lai, 19 tuổi, nói: “Chúng ta sẽ không biết chúng ta có thể làm được gì nếu chúng ta không bao giờ thử. Đấu tranh vì lý tưởng của mình, mặc dù biết không có nhiều cơ hội thành công, cũng là một hành động đáng thử”.

Khi tôi hỏi cảm nghĩ của các bạn như thế nào về những người bạn khác không tham gia xuống đường cùng với họ nữa, cả ba đều trả lời: “Chúng tôi tôn trọng họ. Mỗi người được tự do lựa chọn quyết định của mình”.

Tôi tin rằng các câu trả lời của các bạn đã giải thích tại sao cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử của giới trẻ ở Hồng Kông mặc dù thiếu sự lãnh đạo thống nhất nhưng lại thu hút được nhiều người tham gia đến như vậy, bởi vì mỗi người đều tự ý thức mình phải làm gì.   

Những người biểu tình đang đứng giữ lều tại khu Mong Kok trưa 4.10. Ảnh: Nguyễn Thành Trung 

Tuy nhiên, tình hình ở khu Mong Kok lại không yên ắng như khu trung tâm hành chính Admiralty bên đảo Hồng Kông.  Mong Kok là một khu vực thương mại nhộn nhịp, có mật độ dân cư đông nhất thế giới với 130 ngàn người/km2.

Đối với nhiều khách du lịch từ Việt Nam, khu Mong Kok nối tiếng với Chợ Đàn Bà (Ladies’ Market), nơi buôn bán quần áo, mỹ phẩm giá rẻ. Nguồn thu chính của khu vực này hầu như lệ thuộc chính vào nguồn du khách Trung Quốc tới mua sắm.

Chiều tối 3.10 đã xảy ra cuộc xô xát giữa những người biểu tình và những người được cho là cư dân, người buôn bán ở địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong một tuần qua. Những người phản đối nhóm biểu tình, đeo ruy băng xanh, phàn nàn các vụ chiếm giữ đường phố quanh khu Mong Kok ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày và hoạt động kinh doanh buôn bán của họ. Vì vậy, họ đã cố gắng giật sập lều, tháo gỡ các chướng ngại vật trên đường, thậm chí tấn công người biểu tình.

 

Sinh viên cầm biểu ngữ đi vòng quanh để cổ vũ tinh thần người biểu tình ngày 4.10. Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Những người biểu tình đã cáo buộc cảnh sát và chính quyền không làm tròn nhiệm vụ trong việc bảo vệ an toàn cho họ, khiến Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) tuyên bố cắt đứt đàm phán với bà Carrie Lam chỉ trong vòng chưa tới 20 giờ sau khi chính quyền Hồng Kông đồng ý thương lượng.

Một số người biểu tình mà tôi gặp lại cáo buộc Đảng Liên minh Dân chủ vì sự tiến bộ của Hồng Kông (DAB) thân Trung Quốc, đảng chính trị lớn nhất ở Hồng Kông với 13 ghế trong tổng số 70 ghế ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, với nguồn tài chính dồi dào từ giới kinh doanh và Bắc Kinh, đứng đằng sau các vụ tấn công và khiêu khích người biểu tình.  

Sinh viên Samuel Chan, đến từ trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hồng Kông (HKUST), đang đứng bảo vệ lều của người biểu tình, cho biết mặc dù hơi sợ các hành động quá khích nhưng anh luôn vững vàng với niềm tin của mình. Mấy ngày trước, Samuel Chan có mặt ở khu vực Admiralty và Causeway Bay, nhưng hôm nay bạn xem thông tin trên Facebook thấy khu vực Mong Kok đang cần thêm người, thế là anh có mặt ở ngay khu vực “nóng hổi” này.

 

Samuel Chan, 18 tuổi, học chuyên ngành khoa học máy tính ở Đại học HKUST, đang đứng cạnh lều của người biểu tình. - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Samuel có dáng người gầy gò với đôi mắt cương nghị, không sợ hiểm nguy, tin rằng: “Chúng tôi xứng đáng được hưởng nền dân chủ. Chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc phải nhận thức được điều này”. Khi được hỏi bạn có sẵn lòng xuống đường tiếp tục vào tuần tới, Samuel gật đầu không chút do dự. 

Chiến thuật “câu giờ”, kéo dài thời gian của chính quyền Hồng Kông đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nhiều học sinh, sinh viên tham gia biểu tình tỏ ra mệt mỏi. Mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và phản đối phong trào Chiếm Lĩnh Trung Hoàn và Chiếm Lĩnh Mong Kok bắt đầu xảy ra. 

Tuần sau chắc nhiều học sinh, sinh viên phải quay trở lại trường học sau 2 tuần bãi khóa và có lẽ cuộc kháng nghị trên đường phố sẽ dần dần giảm xuống. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ lời cô sinh viên Julia Lai: “Dù cho có kết quả thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng vui vẻ vì đã trở thành một phần của lịch sử đòi dân chủ của giới trẻ ở Hồng Kông”.

Nguyễn Thành Trung (từ Hồng Kông)

>> Thứ sáu yên ắng của Hồng Kông

>> Hồng Kông trước 'giờ tối hậu thư 

>> Tưng thut t đim nóng Hng Kong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.