Tường thuật từ Mỹ: Có hoạt động gì tại trung tâm gọi điện vận động tranh cử?

Tường thuật từ Mỹ: Có hoạt động gì tại trung tâm gọi điện vận động tranh cử?

Thụy Miên
Thực hiện từ TP.Seattle (bang Washington, Mỹ)
01/11/2024 13:00 GMT+7

Tối 29.10 (giờ địa phương), tại tòa nhà Seattle Labor Temple (TP.Seattle, bang Washington, Mỹ), đội ngũ của hạ nghị sĩ Mỹ Pramila Jayapal bận rộn điều phối trung tâm gọi điện nhằm thuyết phục cử tri ở các bang chiến địa bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Phóng viên Thụy Miên của báo Thanh Niên tường thuật từ Mỹ.

Tối 29.10, tòa nhà Seattle Labor Temple vẫn sáng đèn, có khoảng 30 tình nguyện viên tham gia hoạt động, và nhiệm vụ đêm nay là tập trung vào bang Arizona.

"Tôi có mặt ở đây để làm công tác tình nguyện hỗ trợ thực hiện cuộc gọi cho các cử tri ở bang Arizona, một trong những bang chiến địa của Mỹ, để tìm hiểu họ đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai chưa. Và nếu họ chưa quyết định bầu ai, chúng tôi tìm cách thuyết phục họ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris (làm tổng thống) và ông Ruben Gallego, người đang chạy đua ghế thượng nghị sĩ. Và nếu họ có kế hoạch đi bỏ phiếu (vào ngày 5.11), tôi muốn đảm bảo chắc chắn họ biết cách làm điều đó", Gavriella - một nữ tình nguyện viên chia sẻ.

Tường thuật từ Mỹ: Có hoạt động gì tại trung tâm gọi điện vận động tranh cử?- Ảnh 1.

Các tình nguyện viên gọi điện thuyết phục, hướng dẫn cử tri bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris

Ảnh: THỤY MIÊN

Gavriella cho biết, cô ủng hộ bà Kamala Harris vì "tâm huyết về quyền được phá thai, và muốn bảo đảm quyền đó vẫn được duy trì".

Trung tâm cuộc gọi đã bắt đầu hoạt động này cách đây từ 3-4 tuần và sẽ tiếp tục những phiên tương tự trước khi bầu cử Mỹ chính thức bắt đầu ngày 5.11.

Trước đó, trung tâm đã tổ chức các cuộc gọi cho những bang Michigan, Nevada, Nebraska, Georgia. Có những người gặp khó khăn ngay vào hôm làm việc đầu tiên, như tình nguyện viên Alexander Brassel đã gọi hơn 30 cuộc nhưng toàn bộ đều thất bại. Thế nhưng, anh không bỏ cuộc.

Tường thuật từ Mỹ: Có hoạt động gì tại trung tâm gọi điện vận động tranh cử?- Ảnh 2.

Tình nguyện viên Alexander Brassel

Ảnh: THỤY MIÊN

"Chúng tôi có thể bầu cho người nào mà chúng tôi muốn họ trở thành tổng thống, hay thành viên thượng viện và các vị trí khác trong hệ thống chính quyền. Thế nhưng cuối cùng thì mỗi người cũng chỉ có 1 lá phiếu. Và nếu mình muốn đóng góp nhiều hơn thế, thì những việc như thế này là rất nên làm. Tôi nghĩ đây là một cuộc bầu cử rất quan trọng, đối với nội bộ Mỹ và phần còn lại của thế giới".

Brassel cho biết không dễ để ai đó thay đổi quyết định bỏ phiếu. "Nếu cử tri có thể dễ dàng đổi ý nhanh chóng thì đó đã chẳng phải là một cuộc bầu cử Mỹ. Suy nghĩ sâu hơn thì tôi thấy công việc của mình là cố gắng thuyết phục những người đã muốn bỏ phiếu cho bà Kamala Harris hoặc là có nghĩ đến đi bầu cử, thì hãy thực sự xuất hiện và thực hiện quyền bầu cử".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.