Tường trình 12 ngày vạ vật khu quá cảnh sân bay: Không tắm giặt và khoảnh khắc hạnh phúc

01/04/2020 12:06 GMT+7

Đã 12 ngày kể từ khi anh Hà Vĩ Lâm (30 tuổi) kẹt ngay ở khu quá cảnh sân bay Malaysia trong lúc chuẩn bị về Việt Nam, những ngày này anh không được tắm giặt, phải ngủ trên sàn lạnh cóng và chưa biết kéo dài đến khi nào. Một hành trình vô vọng vì Đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Anh Hà Vĩ Lâm (30 tuổi) làm công nhân ở Macao, ngày 18.3, anh bay sang Malaysia để quá cảnh về Việt Nam. Bất ngờ, chuyến bay bị hủy, anh bắt đầu chuỗi ngày ăn ngủ tại khu quá cảnh của sân bay, không được tắm giặt và phải ngủ trên sàn hoặc dải ghế sắt lạnh cóng. Với sự trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, anh có phần yên tâm đôi chút vì biết mình không bị bỏ rơi, nhưng chưa biết chuỗi ngày này sẽ kéo dài đến khi nào…
Dưới đây là những tâm sự của anh Hà Vĩ Lâm với PV Thanh Niên được chúng tôi ghi lại trong nhiều ngày qua.

Lo sợ, nhưng để làm gì?

Nghe tin vợ ở Việt Nam vừa sinh non ở tháng thứ bảy, con trai lớn lại chưa tròn 3 tuổi, tôi lật đật bỏ hết công việc, đặt vé về Việt Nam. Tôi gọi đại lý mua vé, chặng đường từ Macao về Malaysia, đợi 14 tiếng rồi bay tiếp về Việt Nam của hãng Air Asia.

Cận cảnh binh chủng hóa học tẩy độc ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai

Trước ngày bay, tôi đọc được nhiều thông tin liên quan cấm bay, cấm nhập cảnh, không hiểu lắm nên tôi hỏi đại lý vé, họ nói hãng vẫn bay, cứ đi đi. Tới sân bay, vẫn có cảm giác bất an, tôi hỏi tiếp nhân viên hãng vé, họ khẳng định thêm lần nữa là vẫn đi bình thường nên tôi yên tâm lên máy bay.
Tới Malaysia, bất ngờ hãng báo tất cả các chuyến bay đều bị hủy. Đầu óc tôi quay cuồng, trước mắt chỉ hiện lên hình ảnh đứa con sinh non đang nằm lồng kính, hình ảnh vợ vừa bế con lớn vừa chạy ra vô viện chăm con nhỏ. Tôi còn chưa biết báo cho vợ như thế nào thì bất ngờ chuông điện thoại reo, là vợ gọi. Tôi đành nói thật…
Vợ tôi hốt hoảng, dù vừa sinh nhưng cả đêm vợ tôi không ngủ mà thức tìm cách liên lạc với Đại sứ quán, các hãng bay, mọi cách mà tôi có thể về nước.

Chỗ ngủ của tôi ở sân bay

Ảnh: Vĩ Lâm

Có khoảng 10 người cũng kẹt ở khu này giống tôi (sau 12 ngày thì chỉ còn 4 người), họ đều đang đợi chuyến bay. Họ cũng như tôi, đều lo sợ dịch bệnh nên không ai dám lại gần ai. Ở đây ngày cũng như đêm, mỗi người chọn một góc cách xa nhau để có cảm giác an toàn.
Sau 3 ngày, có người tự nhiên lăn đùng ra xỉu ở sân bay, không ai rõ lý do nhưng tôi thật sự sợ, không biết là vì mệt hay là vì bị nhiễm Covid-19, bao nhiêu câu hỏi xoay mòng mòng trong đầu.

Chỗ ngủ của một nhóm khách người Myanmar

Ảnh: Vĩ Lâm

May mắn, lúc này tôi liên lạc được với Đại sứ quán, họ đưa tôi vào khách sạn trong sân bay để ngủ và nói tôi yên tâm, họ sẽ tìm cách để tôi về nước. Đây là đêm đầu tiên sau 3 ngày ngủ vật vờ ở sân bay tôi được tắm, được ngủ ngon. Tôi biết ơn vô cùng và hi vọng vô cùng vào ngày sắp được về với vợ con, lúc này tôi vẫn còn chút lo sợ, nhưng sợ để làm gì?

Không tắm rửa, ngủ vạ vật

Vừa ngủ một giấc thật sâu bù đắp lại 3 ngày qua, tỉnh dậy tôi lại tiếp tục nghe một tin sét đánh: sân bay đóng cửa toàn bộ dịch vụ, không cho đổi tiền, các quầy bán đồ ăn nghỉ hết, khách sạn nghỉ luôn… Tôi lại phải trở lại khu T2 (khu vực quá cảnh của hãng Air Asia) và tiếp tục chuỗi ngày không thấy tương lai.
Sau khi có Đại sứ quán liên hệ, hãng mới bắt đầu hỗ trợ cho tôi một ngày 3 phần cơm cho sáng, trưa, tối, đến nay là 8 ngày như vậy, và bữa nào cũng là cơm gà cà ri, đây dường như là món ăn đặc trưng ở khu này. Tôi không có sự lựa chọn nào khác, nên vẫn phải ăn để mà sống.

Hủy mọi chuyến bay từ sân bay này

Ảnh: Vĩ Lâm

Đại sứ quán mang thêm vào cho tôi vài ly mì, khẩu trang, dao cạo râu. Tôi trở lại với cuộc sống vạ vật ở sân bay, nhìn hàng máy bay dài nằm sát nhau, lòng tôi càng khát khao ngày được trở về.
Ở đây, ngày cũng như đêm, tôi chọn góc vắng nhất để ngả lưng, nhưng không bao giờ dám ngủ sâu vì sợ mất hết giấy tờ. Khá hơn thức ăn, chỗ ngủ tôi có thể chọn ngủ trên dãy ghế sắt hoặc dưới sàn, mà ở đâu cũng đều lạnh cóng như nhau nên chọn cũng chẳng để làm gì.
Đại sứ quán nói tôi phải tuân theo yêu cầu của sân bay nên không được ra ngoài, tất cả những gì cần làm là chờ đợi. Hãng gửi về mail tôi một chiếc vé về đến Tân Sơn Nhất vào ngày 1.4. Tôi đếm từng giây phút mong chờ tới ngày này.

Bữa cơm nào cũng là cơm gà cà ri, nhưng tôi vẫn phải ăn để sống trở về

Ảnh: Vĩ Lâm

Vẫn có vài chuyến bay đến, có lẽ là công dân của Malaysia nên họ vẫn được nhập cảnh

Ảnh: Vĩ Lâm

Rồi vợ tôi lại báo, hãng Air Asia ngừng bay đến cuối tháng 4. Tôi hốt hoảng hỏi Đại sứ quán, các anh bảo tôi cứ bình tĩnh chờ, không phải chỉ có mình tôi bị kẹt ở nước ngoài, và tôi lại chờ. Càng nhớ và lo lắng cho vợ con ở nhà, tôi lại càng giận hãng bay, giá như họ nói trước là sẽ không thể bay từ Malaysia đi nước khác thì tôi đã không lên máy bay từ Macao...
Những ngày không được tắm rửa, đi vệ sinh phải mang theo hết hành lý thật chẳng dễ chịu chút nào. Tôi tự động viên bản thân mình phải cố gắng ăn uống để có sức đề kháng tốt, tôi phải khỏe, phải sống trở về thì mẹ tôi, vợ tôi và các con tôi mới yên tâm. Nhưng khỏe làm sao khi hơn 10 ngày không được tắm rửa, giá như tôi được bố trí một nơi để có thể tắm, có thể ngủ thì việc chờ đợi chắc sẽ nhẹ nhàng hơn. Điện thoại tôi luôn mở online 24/24 và tôi cũng gần như thức ngần ấy giờ trong ngày để chờ tin từ Đại sứ quán.
Hằng ngày, đọc tin bao nhiêu người được “giải cứu” từ sân bay nào đó về nước, tôi lại càng thêm trông chờ, dù biết đó là những điều rất mong manh, nhưng tôi đâu thể làm gì khác ngoài trông chờ...
Chuỗi ngày đó tưởng chừng sẽ không biết đến bao giờ nếu không có sự chung tay, chung sức từ Đại sứ quán VN ở Malaysia. Tin vui đã đến với anh Hà Vĩ Lâm - người bị "kẹt" tại sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) khi quá cảnh về Việt Nam từ Macao, vào hôm qua (31.3), anh đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia hỗ trợ nhập cảnh.
Trao đổi với Thanh Niên , vợ chồng anh Hà Vĩ Lâm và chị Trịnh Kim Phụng không giấu được vui mừng, bởi sau gần 2 tuần sống tại khu quá cảnh sân bay Kuala Lumpur, dưới sự trợ giúp nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam, anh Lâm đã được nhập cảnh vào Malaysia. Đại sứ quán cũng đã sắp xếp chỗ ở tại một khách sạn gần sân bay cho anh Lâm, cùng gần 10 người Việt Nam khác. Đặc biệt, chi phí tại khách sạn cho anh Lâm sẽ được Đại sứ quán hỗ trợ miễn phí.
“Em không biết nói gì hơn ngoài lòng biết ơn tới các anh chị cán bộ Đại sứ quán đã hỗ trợ cho em từ hôm biết thông tin tới nay (từ ngày 21.3 - phóng viên). Từ hôm đó, cán bộ sứ quán ra sân bay nhiều lần để hỗ trợ đồ ăn và động viên em cố gắng chờ đợi trong lúc giải quyết thủ tục”, anh Lâm chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.