Chiều nay 28.7, sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Xem nhanh 20h ngày 28.7: Tuyên án vụ ‘chuyến bay giải cứu’
21 người nhận hối lộ, chỉ 1 người bị đề nghị tử hình
Vụ án "chuyến bay giải cứu" có 21 người bị truy tố tội nhận hối lộ, những người này là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc các đơn vị như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, TP.Hà Nội, tỉnh Quảng Nam...
Viện kiểm sát cáo buộc nhóm bị cáo trên đã nhận hối lộ hơn 500 lần với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng từ đại diện các doanh nghiệp trong quá trình cấp phép các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước.
Trong số trên, có tới 18 người bị truy tố khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình; tuy nhiên, khi luận tội, đại diện viện kiểm sát chỉ đề nghị mức án tử hình với duy nhất bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng là người nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng.
Ngoài bị cáo Kiên, 20 người còn lại trong nhóm tội nhận hối lộ bị đề nghị mức án thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất đến 20 năm tù.
Toàn cảnh đại án 'chuyến bay giải cứu' trước ngày tuyên án - Phần 1: Những phi vụ mập mờ
Cũng liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu", 23 người bị truy tố tội đưa hối lộ, chủ yếu là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thực hiện chuyến bay. Nhóm này đã đưa tiền hơn 400 lần, với tổng số gần 165 tỉ đồng, cho nhóm 21 cựu quan chức, cán bộ kể trên, để được “ưu ái” khi làm thủ tục xét duyệt chuyến bay. Viện kiểm sát đề nghị mức án với bị cáo thấp nhất là 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 9 năm tù.
Kiếm tiền trên sự cùng cực của người dân
Đánh giá về vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện viện kiểm sát nhận định đây là vụ án có số bị cáo ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, xảy ra ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, bị cả xã hội lên án gay gắt.
Việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước vốn là chính sách đầy tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ở cuộc chiến chống dịch, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thế nhưng, các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ một số bộ, ngành, địa phương đã lợi dụng chủ trương này để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có chi phí bôi trơn, đưa hối lộ.
Hành vi trên làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách mà Đảng, Nhà nước triển khai; phản bội lại sự cố gắng của nhân dân, đồng chí, đồng đội.
Hơn thế, việc nhận hối lộ của nhóm cựu quan chức đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay của các "chuyến bay giải cứu" và các chi phí khác. Người chịu thiệt thòi là công dân ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Các bị cáo đã có hành vi trục lợi chính sách, tạo ra cơ chế xin - cho, liên minh lợi ích nhằm kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân", kiểm sát viên nhấn mạnh.
Toàn cảnh đại án 'chuyến bay giải cứu' - Phần 2: Bí ẩn chiếc cặp mã số 104
Đánh tráo khái niệm giữa hối lộ và cảm ơn
Quá trình xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", một số bị cáo và luật sư cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Tuy nhiên, theo đại diện viện kiểm sát, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ "văn hóa phong bì".
Kiểm sát viên khẳng định, các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước; hoặc buộc người đưa phải chi tiền. Chưa kể, số tiền mà các bị cáo nhận là đặc biệt lớn, trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đang chắt chiu từng đồng để mua sắm vắc xin chống dịch.
Trước khi xảy ra vụ án "chuyến bay giải cứu", giữa người đưa tiền và nhận tiền phần lớn không quen biết nhau, không có quan hệ làm ăn, vì thế không thể có chuyện đưa món quà giá trị cả tỉ đồng, lớn bất thường để cảm ơn. Thực tế, việc đưa và nhận tiền được mặc định là cơ chế trong xét duyệt thủ tục cấp phép "chuyến bay giải cứu", theo lời khai của đại diện các doanh nghiệp.
Các bị cáo đưa, nhận hối lộ đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ nhận thức và biết rõ hành vi đưa, nhận tiền là vi phạm pháp luật. Nhưng vì mong muốn đạt được mục đích của mình, các bị cáo vẫn thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
Nộp lại tiền hối lộ, có thoát án tử?
Tính đến thời điểm hiện tại, các bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã nộp lại số tiền hàng trăm tỉ đồng. Đáng chú ý trong số này có Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, người duy nhất bị đề nghị tử hình.
Hôm 24.7, trong thời gian tòa đang nghị án, luật sư của bị cáo Kiên cho hay, gia đình người này đã nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Trước đó, sau khi vụ án bị điều tra, bị cáo Kiên đã trả lại 12,2 tỉ đồng cho một số doanh nghiệp, đến khi vụ án được đưa ra xét xử, gia đình bị cáo đã nộp thêm 23 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà bị cáo Kiên và gia đình đã trả và nộp lại là hơn 42 tỉ đồng. Với tình tiết này, liệu cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử?
Điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nêu: trường hợp người phạm tội nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.
Nghĩa là, người phạm tội bị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu muốn thoát mức án này thì phải đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ (tự mình hoặc tác động, thông qua gia đình, người thân, bạn bè…). Thứ hai là hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng (chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ…) hoặc lập công lớn (giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm…).
Đối chiếu với trường hợp của Phạm Trung Kiên, bị cáo này đã trả và nộp lại hơn 3/4 số tiền nhận hối lộ. Việc bị cáo có được thoát mức án tử hình mà đại diện viện kiểm sát đã đề nghị hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của tòa án trong phần tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu" chiều nay.
Bình luận (0)