Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp thêm 7 tỉ

24/07/2023 17:53 GMT+7

Theo thông tin từ luật sư, trong thời gian tòa đang nghị án vụ "chuyến bay giải cứu", gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Chiều 24.7, luật sư Hà Mạnh Huy cho biết, gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Luật sư Huy là một trong 3 người tham gia bào chữa cho bị cáo Kiên ở vụ đại án nêu trên, do TAND TP.Hà Nội xét xử từ ngày 11 - 22.7. Phiên tòa đang trong thời gian nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 28.7 tới.

Luật sư: Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp thêm 7 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên

TRẦN PHAN

Một nguồn tin từ TAND TP.Hà Nội cho hay, đến nay đơn vị chưa nhận được biên lai chính thức về việc gia đình bị cáo Kiên nộp thêm tiền khắc phục hậu quả. Nhưng trước đó, gia đình bị cáo Kiên có đơn bày tỏ nguyện vọng nộp thêm 7 tỉ đồng, phía tòa án đã có xác nhận để tạo điều kiện cho gia đình làm việc với cơ quan thi hành án.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp thêm 7 tỉ

Trong vụ "chuyến bay giải cứu", Phạm Trung Kiên là bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Theo cáo buộc của viện kiểm sát, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp lên tới 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng, trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.

Tính đến thời điểm hội đồng xét xử vào nghị án, bị cáo Kiên đã trả lại 12,2 tỉ đồng cho một số doanh nghiệp, đồng thời gia đình bị cáo Kiên nộp lại 23 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quy định 3 nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Đối chiếu tinh thần trên của nghị quyết, người phạm tội bị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu muốn thoát mức án này thì phải đáp ứng 2 điều kiện.

Thứ nhất là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ (tự mình hoặc tác động, thông qua gia đình, người thân, bạn bè…).

Thứ hai là hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng (ví dụ, chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà người phạm tội bị cáo buộc) hoặc lập công lớn (ví dụ giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…).

Xem nhanh 20h ngày 22.7: Chuyến bay giải cứu - Cựu thiếu tướng nói Hoàng Văn Hưng không hiểu luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.