Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tổ chức bán trú và xe đưa rước là một số giải pháp mà Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM) đã thực hiện nhằm thu hút và giữ chân các học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Thế nhưng, với đặc thù của một trường vùng ven, tình trạng thiếu học sinh vẫn là bài toán từ nhiều năm nay trong công tác tuyển sinh của nhà trường.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2023-2024, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào Trường THPT Nguyễn Văn Linh chỉ đạt khoảng 62% so với chỉ tiêu ban đầu, còn thiếu hơn 280 học sinh. Tương tự, một số trường THPT vùng ven khác như Diên Hồng (quận 6), Phong Phú (huyện Bình Chánh) và Trung Lập (huyện Củ Chi) cũng có tỷ lệ nhập học khá thấp, khoảng 60-70%.
Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu cũng diễn ra tại một số trường THPT ở trung tâm, thậm chí là top đầu có điểm chuẩn cao như THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) với trên 60 học sinh không nộp hồ sơ. Tính trên toàn thành phố, gần 5.000 học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Theo một số chuyên gia, tình trạng này ảnh hưởng ít nhiều đến việc tổ chức giảng dạy và gây lãng phí nguồn nhân lực giáo viên. Trước phương án tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 công lập vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố thông qua, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nhận định đây là một giải pháp phù hợp cho công tác tuyển sinh năm nay.
Đây là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện phương án tuyển sinh bổ sung lớp 10 công lập với mục tiêu đảm bảo tối đa quyền được học tại trường công lập của học sinh thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng về lâu dài cần có kế hoạch sát với tình hình thực tế để hạn chế tình trạng này.
Bình luận (0)