Từ 23.11.2015 đến 29.2.2016 là khoảng thời gian các lực lượng chức
năng tỉnh Quảng Trị 'căng mắt, căng tai' triển khai đợt cao điểm 'tuyên
chiến với thực phẩm bẩn'.
Lấy mẫu thịt tại chợ Cầu (H.Gio Linh) kiểm tra chất cấm - Ảnh đoàn kiểm tra cung cấp
|
Đi làm lúc... 2 giờ sáng!
|
“Theo kế hoạch từ trên đề ra cũng như đặc thù của công việc thì chúng tôi cùng với Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) phải đi làm lúc... 2 giờ sáng. Phải đi vào giờ này thì mới bắt được tận tay gian thương”, ông Lê Quang Biên, Trưởng phòng Thanh tra trải lòng ngay từ đầu.
Kế hoạch được lập bí mật, đến khi tập trung đầy đủ lực lượng, là trưởng đoàn ông Biên mới quyết định sẽ... đi kiểm tra ở đâu. Gần thì có thể loanh quanh trong khu vực Đông Hà, còn xa thì vô kể, từ các chợ lớn đặt tại trung tâm các huyện, cho đến các chợ cấp xã, các lò mổ tư nhân nhỏ lẻ... Có anh nói vui: “Nhiều khi gia đình, vợ con cứ bóng gió không biết tôi có tình nhân bên ngoài không mà cứ đi đêm hoài”.
Theo các thành viên đoàn kiểm tra, các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ hoặc các chủ lò mổ trên địa bàn Quảng Trị “thuần tính” nên họ hợp tác với cơ quan chức năng chứ không tìm cách chống đối bằng vũ lực. “Cũng tùy vào từng trường hợp nặng nhẹ để chúng tôi xử lý nghiêm, răn đe hoặc chỉ nhắc nhỏ”, ông Hoàng Ngọc Mai, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.
Chưa phát hiện chất tạo nạc
Đó là kết quả thu được sau thời gian tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra về thực phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị. Thông tin từ Phòng Thanh tra từ ngày 3 - 15.12, đơn vị đã đến nhiều chợ để lấy 35 mẫu thịt, 25 mẫu nước tiểu lợn tại các cơ sở giết mổ để kiểm tra chất tạo nạc nhưng không có mẫu nào dương tính với các mẫu thử.
Tuy vậy, với 30 mẫu chả đã kiểm tra thì lực lượng này đã phát hiện 4 trong số đó sử dụng hàn the trong khi chế biến. “Đối với các trường hợp vi phạm, chúng tôi đều lập biên bản vi phạm và xử phạt đồng thời cho tiêu hủy hơn 13 kg chả nhiễm hàn the trước khi bị đưa ra thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu cho các hộ làm chả cách “đoạn tuyệt” với loại chất cấm này bằng một loại chất thay thế khác, được pháp luật cho phép”, ông Biên cho hay. Một kết quả khác bước đầu làm yên lòng người tiêu dùng tại địa phương này chính là việc 9 tháng đầu năm 2015, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã lấy tổng cộng 138 mẫu để kiểm tra chất tạo nạc (Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine), trong đó lấy 88 mẫu thịt tại các chợ và 50 mẫu nước tiểu gia súc tại 27 cơ sở chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, nhưng cũng không phát hiện được loại chất này.
“Số liệu này thực sự đáng mừng đối với địa phương chúng tôi. Nhưng chưa phát hiện chưa chắc đã là không có. Chính vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh, kiểm tra, tuyên truyền cho các tiểu thương. Ông bà nói rồi phòng bệnh, hơn chữa bệnh mà”, ông Biên nói.
Bình luận (0)