Một kỳ thi đánh giá năng lực và tuyển dụng giáo viên công bằng, khách quan đã diễn ra tại Quảng Nam. Những thầy cô vừa trúng tuyển tề tựu về hội trường, công khai, minh bạch quyền lựa chọn nhiệm sở theo kết quả từ cao xuống thấp. Quyết định bổ nhiệm và phân công nhiệm sở được ký và đóng dấu đỏ tươi ngay tại hội trường.
Tỉnh Quảng Nam đã và đang khiến nhiều nơi thầm ngưỡng mộ, ngợi khen cách tuyển dụng và trọng dụng nhân tài ngành giáo dục. Bằng cách lựa chọn người giỏi công bằng như thế, người tài tất nhiên sẽ trở thành những người thầy chân chính, nhiệt huyết và nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Giáo dục chỉ có thể khởi sắc khi đào tạo và tuyển dụng được những người thầy giỏi chuyên môn, giàu nhiệt tâm và mê mẩn sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ. Những người thầy giỏi sẽ tạo ra lớp lớp thế hệ nhân tài trưởng thành từ nhà trường và bước vào đời dựng xây cuộc sống.
Quảng Nam làm được, các địa phương khác tại sao không?
Học thật, thi thật, điểm thật, nhân tài thật … trong giáo dục còn rất nhiều điều để bàn, để lên tiếng. Ở đây chỉ nói tới cách làm hay, ý nghĩa, trong sáng đối với việc trọng dụng nhân tài mà Sở GD-ĐT Quảng Nam đã làm được trong nhiều năm qua.
Thứ nhất, trọng dụng nhân tài cho ngành giáo dục ngay từ bậc THPT. Những học sinh giỏi, yêu và nguyện vọng theo ngành sư phạm thì Sở GD-ĐT có những biện pháp ươm mầm, nuôi dưỡng; với những sinh viên đạt thành tích tốt sẽ được bố trí về tỉnh giảng dạy, tuyển dụng đặc cách. Đó chính là trọng dụng nhân tài – nhân tài thật.
Thứ hai, thi tuyển giáo viên minh bạch, không chạy chọt, không quen biết, không ưu ái bất cứ ai. Đó chính là sự công bằng.
Chính cách làm như vậy giúp thoát khỏi sự giả dối, niềm tin vào sự nghiệp giáo dục càng được nhân lên.
Sở GD-ĐT Quảng Nam đã làm được như thế, các sở khác tại sao không?
|
Bao lâu nay ngành giáo dục vẫn tuyển dụng giáo viên bằng cách xét tuyển rồi thi tuyển với những lời râm ran rỉ tai nhau về cái giá không hề rẻ cho một suất hợp đồng, một “vé” biên chế. Người ta còn phải mất thêm một vòng “chạy” để chọn được nhiệm sở ưng ý. Thực hư chỉ những người trong cuộc mới biết nhưng hệ lụy mà nó để lại đã bào mòn niềm tin và đục thủng biết bao giá trị
“Chạy việc”, “chạy nhiệm sở” vẫn luôn là cơn sóng ngầm khiến người giỏi dần rời xa giảng đường sư phạm.
Hẳn dư luận chưa quên câu chuyện đớn đau ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) khi hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng vào năm 2018. Cùng thời gian này cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) vì nhận tiền "chạy việc" và "ăn chặn" tiền lương của giáo viên. Hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê cũng đã bị cách chức vì nhận 210 triệu đồng chạy việc.
|
Ra trường cấm tấm bằng cử nhân sư phạm xin việc, lẽ ra năng lực và tâm huyết phải là ưu tiên số một để được tuyển dụng trở thành giáo viên. Vậy mà những lấp lửng đằng sau cơ chế xét tuyển, thi tuyển khiến nơi này nơi kia thỉnh thoảng dội đến lời kiện cáo làm lòng tin của dư luận về ngành giáo hao hụt ít nhiều.
Nhìn nhận vào thực tế tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương để thấy rằng bất kỳ quyết sách sai lầm nào trong việc sử dụng nhân tài đều để lại những nốt lặng đáng buồn. Sẽ thế nào nếu người thầy trúng tuyển lại là người yếu và thiếu năng lực, tâm huyết? Lúc ấy, giấc mơ “lương sư hưng quốc” hẳn là còn xa vời vợi…
Để trả lại môi trường trong lành, tinh khiết xứng đáng với danh xưng “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, ngành giáo dục các địa phương có lẽ nên nhân rộng mô hình tuyển dụng và trọng dụng nhân tài của Quảng Nam. Đây cũng chính là bước khởi động cần thiết đáp ứng kỳ vọng “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)