Nếu có dịp đặt chân đến tham quan Quảng Trị, bên cạnh những di tích lịch sử nổi tiếng như: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị..., du khách có thể ghé vào TT.Hồ Xá (H.Vĩnh Linh) để check-in với những bức bích họa được vẽ trước Trường tiểu học Kim Đồng. Tuyến đường dài chưa đến 1 km nhưng đang lưu giữ những hình ảnh bao quát về một Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung đầy hào hùng.
Bạn trẻ “check – in” với tuyến đường bích họa vẽ di tích lịch sử tại Quảng Trị
"Tuyến đường bích họa” được Huyện đoàn Vĩnh Linh phối hợp với Huyện đoàn Tân Kỳ cùng các đơn vị liên quan thực hiện. Với 32 bức bích họa có nội dung về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, những nét văn hóa độc đáo của 2 vùng đất kết nghĩa Vĩnh Linh và Tân Kỳ.
Điều đặc biệt, các bức bích họa này được lên ý tưởng, chủ trì và vẽ chính bởi anh Lê Quốc, Bí thư Chi đoàn thôn Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh), có sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Người thủ lĩnh Đoàn tài hoa cùng các bạn trẻ đã làm đẹp hơn tuyến phố khi biết cách... thổi hồn vào những đoạn tường rào bằng hình ảnh ghi dấu ấn con người, văn hóa của quê hương.
Anh Lê Minh Thái, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, mong muốn "tuyến đường bích họa" không chỉ đem lại vẻ đẹp cho phố phường mà còn giúp người dân, du khách cùng học sinh có cơ hội để hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương.
"32 bức bích họa được chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn Tân Kỳ thực hiện là công trình kết nghĩa giữa hai địa phương. Thông qua đây, chúng tôi muốn gửi gắm các giá trị lịch sử, mảnh đất và văn hóa con người Vĩnh Linh - Tân Kỳ đến với du khách và bạn bè gần xa", anh Thái nói.
Thời kỳ kháng chiến, vào những năm 1965 - 1966, khu vực Vĩnh Linh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn, người dân phải sống trong vùng "tọa độ lửa". Lúc ấy, T,Ư Đảng đã thực hiện "Kế hoạch K8" nhằm di dân ra khỏi khu vực ác liệt của chiến tranh.
Hàng ngàn người dân Quảng Trị đã được di dời ra Bắc, trong đó H.Tân Kỳ (Nghệ An) là nơi đã cưu mang những người con của Vĩnh Linh. Sau khi chiến tranh kết thúc, 2 địa phương vẫn tiếp tục kết nối và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt này, người dân vẫn gọi mối quan hệ này bằng tên gọi thân mật: "Quê chung".
Bình luận (0)