Mỗi trường có phương thức tuyển sinh riêng, không giống nhau, do đó chương trình tư vấn trực tuyến "Các phương thức tuyển sinh riêng năm 2022" ngày 11.1 đã cung cấp cho thí sinh những thông tin cụ thể và hết sức cần thiết.
Yêu cầu đầu vào tiếng Anh
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết ĐH Việt Đức trong năm nay vẫn duy trì 5 phương thức xét tuyển cơ bản mà trường đã triển khai trong 3 năm qua. Đó là dùng kết quả kỳ thi TestAs, kết quả học bạ, dùng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, bằng tú tài quốc tế hoặc chứng chỉ quốc tế, và xét tuyển thẳng dành cho thí sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh thành, toàn quốc và trong khu vực.
"Năm nay, ĐH Việt Đức mở rộng xét tuyển thẳng với thí sinh tốt nghiệp có kết quả thi học sinh giỏi nhất, nhì, ba cấp tỉnh, thành phố, quốc gia và khu vực môn tiếng Pháp cho ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng. Trường duy trì yêu cầu đầu vào tiếng Anh học thuật IELTS 5.0. Kỳ thi TestAs của trường dự kiến được tổ chức vào tháng 5 nếu dịch bệnh được kiểm soát. Chỉ tiêu tuyển sinh của các phương án tuyển sinh sẽ linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Các em nên chủ động tham gia các kỳ thi riêng của một số trường ĐH và thêm phương thức học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển", tiến sĩ Viên nói.
Phương thức tuyển sinh đa dạng
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường năm nay mở thêm 9 ngành học mới và bám sát theo nhu cầu của xã hội. Theo ông Phương, trong năm 2022, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ xét tuyển theo 4 phương thức là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét học bạ cả năm lớp 12 và xét học bạ dựa trên tổng điểm 5 học kỳ dành cho những thí sinh học hết học kỳ 1 của năm lớp 12".
Ông Phương cho biết thêm: "Có rất nhiều khó khăn từ kinh tế xã hội trong dịch bệnh nên gia đình thí sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có những chính sách học bổng từ 30 - 100% học phí để hỗ trợ cho thí sinh với khó khăn chung ở thời điểm hiện tại".
Tương tự, Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết trường có phương thức xét tuyển dành cho học sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc các trường quốc tế ở Việt Nam.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dùng phương thức xét học bạ, trong đó có xét 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), nhận hồ sơ từ 1.3.2022, yêu cầu điểm trung bình 6.0 trở lên và tổng điểm 3 môn từ 18 điểm, thí sinh phải có hạnh kiểm học kỳ lớp 12 từ khá trở lên; hoặc thí sinh lựa chọn dùng kết quả 2 học kỳ lớp 12. Bên cạnh đó, trường còn có phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, cho hay, ngoài phương thức theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trường còn có 3 phương thức khác. Trong đó có phương thức xét tuyển thẳng cho thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, kỳ thi tay nghề quốc tế hoặc là thành viên của các đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia… Còn xét tuyển học bạ là dựa trên kết quả của lớp 12; kết quả của lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) và dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, theo tiến sĩ Phúc.
Các phương thức tuyển sinh riêng khối ngành sức khỏe
Trong buổi tư vấn được phát trực tiếp trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên, các học sinh THPT bày tỏ sự quan tâm tới khối ngành sức khỏe.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý khối ngành sức khỏe khá đặc thù nên Bộ GD-ĐT vẫn có những quy định ràng buộc về điểm số và ngưỡng điểm thường rất cao ở ngành Y và Răng hàm mặt. Với phương thức xét tuyển theo học bạ đối với khối ngành sức khỏe, học sinh phải có học lực lớp 12 phải từ loại giỏi, cộng với các ngưỡng điểm xét tuyển của từng trường. Các ngành trong khối sức khỏe mà không phải là y, dược, nha thì có mức điểm thấp hơn nhưng vẫn có yêu cầu tương tư.
Ông Phương khuyên thí sinh: "Khối sức khỏe có điểm quá cao, ngoài khả năng của mình thì chúng ta vẫn còn có những cơ hội khác như chọn học công nghệ y sinh, công nghệ sinh học, công nghệ hóa…thì sau khi ra trường vẫn có thể theo khối ngành sức khỏe mình mong muốn".
Tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, cho hay hiện nay có nhiều trường đào tạo đa ngành, trong đó có khối ngành sức khỏe nên học sinh có nhiều lựa chọn.
"Với tổ hợp môn xét tuyển khối ngành sức khỏe, nhiều em nghĩ ngay đến toán, hóa, sinh nhưng hiện nay có rất nhiều tổ hợp môn để tham gia xét tuyển như toán, lý, hóa; toán, lý, sinh; toán, sinh, văn; văn, toán, hóa, với nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng từ các trường", tiến sĩ Phúc lưu ý.
Theo ông Phúc, chọn ngành trước khi chọn trường, nhiều bạn chọn trường trước chọn ngành nên có những trường lấy số điểm khá cao và cuối cùng các em không theo học được. Do đó, ông Phúc khuyên thí sinh nên chọn ngành trước và sau đó chọn trường phù hợp với khả năng của mình.
Giỏi ngoại ngữ mở ra rất nhiều cơ hội học tập và việc làm
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nhấn mạnh: "Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ toàn cầu cần cho khối ngành kinh tế và tất cả các lĩnh vực. Khi các em giỏi một ngoại ngữ sẽ mở ra rất nhiều cơ hội trong sự phát triển học hành và phát triển nghề nghiệp".
Với các ngành bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh thì tùy trường sẽ có điểm tiếng Anh đầu vào tương ứng cho từng ngành học và ĐH Việt Đức yêu cầu IELTS 5.0. "Sau khi vào trường, các em phải tập trung học tiếng Anh trong một năm để đạt IELTS 6.0, cùng đó là học tiếng Đức và một số môn cơ bản. Tiêu chuẩn đầu vào ngành luật kinh tế tùy thuộc chuyên ngành. Và tùy từng trường, phổ điểm có thể từ 15 đến 27, 28.
Tiến sĩ Viên cũng lưu ý, với phương thức học bạ vào Trường ĐH Việt Đức, thí sinh phải có điểm trung bình 7.0 trở lên. Trên cơ sở đó, trường xét 6 môn, trong đó 3 môn toán, lý, tiếng Anh là môn chính chiếm 65 - 70%, các môn lý, hóa, sinh, ngữ văn chiếm 30 - 35%. Ngoài ra, nội dung bài thi TestAs của trường gồm kiến thức tổng quan và kiến thức chuyên ngành.
Nói về chuyên ngành luật kinh tế quốc tế, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng một trong những khó khăn của Việt Nam là tìm kiếm luật sư cho các vụ kiện quốc tế hoặc giải quyết câu chuyện liên quan kinh tế với doanh nghiệp nước ngoài. "Do đó, ngành nào cũng đòi hỏi nền tảng tiếng Anh tốt. Chúng ta sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làm việc toàn cầu nên tiếng Anh bắt buộc phải tốt. Nhiều trường xem tiếng Anh là một trong những chuẩn đầu ra quan trọng", ông Tư nói.
Theo thạc sĩ Tư, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dành thời lượng lớn cho việc đào tạo môn liên quan chuyên ngành luật kinh tế quốc tế bằng tiếng Anh để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc được trong môi trường quốc tế. Ông Tư chia sẻ: "Ngành luật đang khan hiếm lực lượng đủ năng lực tiếng Anh. Nếu đầu tư đúng mức cho nền tảng tiếng Anh thì các em có cơ hội rất lớn trong sự nghiệp sau này".
Trong quá trình đào tạo, theo ông Tư, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hợp tác với các ĐH danh tiếng ở Mỹ để hỗ trợ cho sinh viên học bằng tiếng Anh, giúp các em trau dồi kỹ năng trong các môn chuyên ngành. Ông Tư đưa ra lời khuyên cho thí sinh: "Hãy xem tiếng Anh là một kỹ năng làm việc, không chỉ là một môn học. Các em phải cạnh tranh với lực lượng lao động nước ngoài đang tiến vào Việt Nam làm việc nên phải học tiếng Anh để nâng cao năng lực cạnh tranh".
Phương thức xét tuyển riêng giúp thí sinh có lợi thế gì so với điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Đây là câu hỏi được không ít học sinh đưa ra giữa lúc các em cân nhắc việc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Giải đáp thắc mắc của học sinh, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nói: "Tăng cơ hội và giảm rủi ro. Nếu trước đây các em chỉ có một cơ hội là thi ĐH và sử dụng điểm thi THPT, còn bây giờ một trường ĐH dưa ra nhiều phương thức để các em lựa chọn. Do đó, cơ hội vào trường ĐH mà các em mong đợi sẽ cao hơn. Phương thức nhiều hơn thì cơ hội nhiều hơn, cơ hội nhiều hơn thì rủi ro giảm đi". Chẳng hạn, thí sinh có thể có sơ suất nên đạt điểm thấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nếu các em lại có điểm cao hơn trong các kỳ thi đánh giá năng lực thì có thể sử dụng điểm này để xét tuyển và sẽ bớt đi áp lực.
Tại sao nên sử dụng thêm phương thức tuyển sinh riêng?
Giải đáp câu hỏi này, Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý phương thức xét tuyển riêng hay xét học bạ giúp tạo ra sự chủ động, tức là thí sinh có thể tự tạo cơ hội cho mình. "Nếu chỉ có một phương thức duy nhất thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cho các bên có liên quan. Không phải cứ xét học bạ là trúng tuyển, nếu các bạn không có chiến thuật vẫn có khả năng rớt", ông Phương nói.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: "Tự chủ đại học mang đến sự cạnh tranh công bằng cho các trường ĐH. Hiện nay, chúng ta không còn phân biệt trường công, trường tư, trường quốc tế. Trước đây, chỉ có vài tổ hợp thì giờ có hàng chục tổ hợp môn thi cho thí sinh. Do đó, cơ hội hôm nay thì tận dụng ngay hôm nay, đừng để cơ hội qua ngày mai. Nhiều bạn chủ quan chờ đợi cuối cùng vuột mất do các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu".
"Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có 5 phương thức xét tuyển nên các em có thể tận dụng cả 5 phương thức do mỗi phương thức độc lập, có chỉ tiêu, tổ hợp môn khác nhau. Hãy chọn phương thức nào tối ưu nhất, phù hợp nhất, đáp ứng được nguyện vọng của các em nhất", thạc sĩ Tư lưu ý.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, cho hay: "Các trường có nhiều phương thức tuyển sinh riêng tạo điều kiện cho các em thỏa mãn được đam mê của mình. Trước đây, nếu muốn trở thành bác sĩ đa khoa thì thí sinh phải giỏi toán, hóa, sinh thì giờ có nhiều tổ hợp môn khác nhau để lựa chọn… Có những môn, chúng ta không giỏi được thì có thể chọn những tổ hợp khác có môn mà chúng ta là lợi thế. Điều này giúp tăng thêm cơ hội cho các em và cánh cổng trường đại học sẽ rộng mở hơn với các em".
"Dù dịch bệnh khiến các em gặp nhiều khó khăn trong học tập, nhưng phần lớn các trường xét học bạ đợt đầu dựa vào kết quả 5 học kỳ, trong đó gồm 4 học kỳ của lớp 10, 11 và 1 học kỳ lớp 12. Các em đừng lo lắng về tình hình dịch bệnh ngoài kia, mà hãy bình tĩnh, tự tin, tập trung học để có kết quả học kỳ 1 lớp 12 thật tốt. Có trường yêu cầu 6 học kỳ thì các em càng phải tập trung học trong thời điểm này", tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, chia sẻ.
Để đạt kết quả tốt trong các cuộc thi tuyển sinh riêng, thí sinh nên chuẩn bị những gì ngay từ bây giờ?
Giải đáp thắc mắc này, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: "Nếu như các bạn đã xác định rõ mình thích trường nào, ngành nào rồi thì hãy chọn phương thức xét tuyển riêng cho phù hợp. Thời gian còn lại để tập trung học hành, rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Dù có xét tuyển riêng hay theo phương thức nào đi nữa thì chúng ta cũng phải thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên phải tập trung vào mục tiêu kế tiếp là thi tốt nghiệp THPT".
"Nếu có mục tiêu rồi thì các em hãy cố gắng quyết tâm để thực hiện, chủ động lựa chọn phương thức xét tuyển, không chỉ điểm thi THPT mới có thể vào ĐH mà còn có nhiều cánh cửa khác. Các em không nên chọn theo phong trào, theo đám đông mà hãy căn cứ vào sở thích, đam mê, năng lực và điều kiện hoàn cảnh của bản thân. Sau này doanh nghiệp tuyển dụng bạn dựa vào năng lực chứ không phải là bạn học ĐH bằng phương thức nào", Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, đưa ra lời khuyên.
Còn tiến sĩ Đinh Văn Phúc, Trưởng đại diện tuyển sinh Trường ĐH Duy Tân tại TP.HCM, chia sẻ: "Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến kết quả học tập nhưng các em đừng quá lo lắng vì chúng ta có rất nhiều phương thức xét tuyển. Hãy cố gắng bình tĩnh để tiếp bước học kỳ 2 của năm lớp 12. Hãy thử phương thức xét tuyển 5 học kỳ trước và sau đó đầu tư vào học kỳ 2, cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đặc biệt, các em hãy vào trang tuyển sinh của tất cả các trường mình muốn tham gia xét tuyển để nghiên cứu và tìm hiểu rõ về ngành, nghề mình đam mê".
Bình luận (0)