Tuyển sinh 2022: xu thế chọn ngành kinh tế, quản lý ngày càng tăng

22/02/2022 16:59 GMT+7

Trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22.2, đại diện các trường ĐH cho biết xu thế lựa chọn các lĩnh vực về kinh tế, quản lý ngày càng tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia phát triển.

Trong những năm qua, nhiều thí sinh quan tâm đến khối ngành liên quan đến kinh tế - quản lý. Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, khối ngành kinh doanh quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất, 32,77%, trong kỳ tuyển sinh năm 2021.

Bên cạnh đó, nếu chỉ xét nguyện vọng 1, nhóm ngành này chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành thu hút nhiều thí sinh nhất. Nhóm ngành này cũng được nhiều thí sinh lựa chọn cho những nguyện vọng tiếp theo nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý khi chọn khối ngành kinh tế, quản lý"

LÊ THANH HẢI

Nhu cầu chọn ngành kinh tế, quản lý ngày càng tăng

Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Lưu ý khi chọn khối ngành kinh tế, quản lý", tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết xu thế lựa chọn các lĩnh vực về kinh tế và quản trị ngày càng tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia phát triển.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức

Tuy nhiên, cấu trúc nguồn nhân lực trong nền kinh tế luôn có sự cân bằng nhất định giữa lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế với khoa học giáo dục, khoa học xã hội. "Rõ ràng dịch Covid-19 thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển nhanh hơn, đặc biệt liên quan đến internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, chuyển đổi số. Do đó, thí sinh cần lưu ý, sau đại dịch, nhu cầu và yêu cầu nguồn nhân lực có nhiều thay đổi đáng kể, không chỉ đòi hỏi năng lực, chuyên môn về quản lý, kinh tế mà còn yêu cầu kỹ năng tích hợp liên quan đến công nghệ", ông Viên chia sẻ.

Nhiều chỉ tiêu cho khối ngành kinh tế, quản lý

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Các trường dành khá nhiều chỉ tiêu cho khối ngành kinh tế quản lý, khoảng 27%, theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. "Nhu cầu thí sinh đăng ký cũng khá nhiều, điều này cho thấy nhu cầu của xã hội cũng khá lớn. Vì vậy, mỗi thí sinh nên cân nhắc những ngành nghề phù hợp với bản thân so với chỉ tiêu hay lựa chọn theo số đông", ông Lưu chia sẻ.

PGS-TS Lê Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản lý công Trường ĐH Mở TP.HCM

Tương tự, PGS-TS Lê Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản lý công Trường ĐH Mở TP.HCM, lưu ý lựa chọn nghề nghiệp là một trong những quyết định quan trọng nhất của đời người.

Dù khối ngành kinh tế nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh, nhưng các em cần lựa chọn ngành nghề dựa trên sự đam mê và lòng yêu thích với lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. "Khi có sức đam mê thì các em sẽ có nhiều năng lượng để vượt qua khó khăn thách thức mà nghề nghiệp đặt ra suốt chặng đường dài và có sự phát triển", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, những thí sinh hoạt bát sôi nổi thì có thể lựa chọn lĩnh vực hướng ngoại như marketing, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, đàm phán. Còn những em hướng nội thì có thể nghiên cứu, hoạch định chiến lược, tính toán về hiệu quả dự án đầu tư trong các kế hoạch kinh doanh tại các phòng ban chuyên môn…

"Việt Nam là một nơi có môi trường kinh doanh phát triển, được xếp là một trong những quốc gia mới nổi của kinh tế thế giới, nơi thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài… chính vì thế cơ hội việc làm cho thí sinh chọn khối ngành kinh tế quản lý là rất lớn", ông Tùng chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hảo, Trưởng khoa Kinh tế và quản trị Trường ĐH Hoa Sen

Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hảo, Trưởng khoa Kinh tế và quản trị Trường ĐH Hoa Sen, lưu ý sinh viên theo học ngành kinh tế cần có tố chất tương tác, vì tố chất này mang lại lợi ích nhất định cho bản thân và công việc. Ông Hảo nói thêm: "Khối ngành kinh tế chia thành nhiều hướng đi khác nhau, không chỉ là kinh doanh nên thí sinh cần chọn rõ hướng đi của mình và lưu ý những đặc điểm bắt buộc của mỗi ngành".

Tài chính kế toán và quản trị kinh doanh thu hút nhiều thí sinh

Theo tiến sĩ Viên, khối ngành kinh tế quản lý trong những năm qua tập trung vào tài chính kế toán và quản trị kinh doanh. Cụ thể, tài chính kế toán có 2 chuyên ngành tài chính và kế toán, quản trị kinh doanh có 2 chuyên ngành marketing và hệ thống thông tin quản lý.

Riêng Trường ĐH Việt Đức có sự hợp tác giữa chính phủ 2 nước nên được liên minh 40 trường ĐH của Đức hỗ trợ hoạt động phát triển đào tạo. Sinh viên năm cuối của 2 ngành nghề này có thể lựa chọn học 6 tháng ở Đức, theo ông Viên.

Tiến sĩ Viên thông tin thêm, năm 2022 Trường ĐH Việt Đức vẫn duy trì 5 phương thức tuyển sinh: thi đánh giá năng lực TestAs; xét điểm học bạ: điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10 đến học kỳ 1 lớp 12) thấp nhất 7 điểm. Ngoài ra trường xét tuyển dựa trên 6 môn cơ bản toán, văn, lý, hóa, sinh và tiếng Anh hoặc tiếng Đức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng thí sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và cấp tỉnh; xét tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc có kết quả các kỳ thi năng lực quốc tế. Trường giảng dạy bằng tiếng Anh nên yêu cầu tiếng Anh thấp nhất là IELTS 5.0 hoặc TOEFL tương đương.

Phương thức xét tuyển đa dạng

Tiến sĩ Lưu cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành hơn 1.600 chỉ tiêu cho nhóm ngành kinh tế quản lý, trong đó quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng có chỉ tiêu nhiều nhất.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ... với đa dạng tổ hợp môn, lựa chọn cách thức xét tuyển và thí sinh có thể xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và Hà Nội.

Ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, SAT

PGS-TS Tùng cho biết Trường ĐH Mở TP.HCM có nhiều phương thức xét tuyển: xét học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, SAT…

Trong năm học này, trường tuyển 27 ngành, 11 ngành chất lượng cao. Nhóm ngành kinh tế có chỉ tiêu chiếm gần 50% trong tổng số 4.900 chỉ tiêu. Khoa Kinh tế và quản lý công có 2 ngành kinh tế (kinh tế quốc tế, kinh tế đầu tư và kinh tế học) và quản lý công. Trong năm học vừa qua, 91,7% sinh viên tốt nghiệp các ngành này có việc làm. Trường ĐH Mở TP.HCM cũng dành quỹ học bổng 28 tỉ đồng cho sinh viên khóa mới.

Về phía Trường ĐH Hoa Sen, tiến sĩ Hảo cho biết trường này có 4 phương thức xét tuyển và một số phương thức xét tuyển riêng cho từng ngành cụ thể, đồng thời dành hơn 40 tỉ đồng để hỗ trợ học bổng, học phí cho sinh viên.

Theo ông Hảo, tổ hợp xét tuyển là tùy theo các ngành và sinh viên có thể học song bằng. Chẳng hạn, sinh viên học ngành quản trị khách sạn học song song ngành marketing hay ngôn ngữ Anh và quản trị kinh doanh… giúp mở rộng cơ hội việc làm.

"Khi nộp hồ sơ với 4 phương thức xét tuyển thì cơ hội rất cao. Ngành kinh doanh quốc tế thì yêu cầu về ngoại ngữ cao và sinh viên học ngành này có thể tham gia các hoạt động thương mại quốc tế", tiến sĩ Hảo lưu ý.

Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý công

Một thí sinh đặt câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý công. PGS-TS Tùng giải đáp: “Ngành quản lý công có cơ hội nghề nghiệp rất lớn. Khi học tại Trường ĐH Mở TP.HCM, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể làm việc trong hệ thống từ cấp trung ương, tỉnh, thành phố đến quận, phường…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.