Tuyển sinh ĐH 2023: Thay đổi ra sao để bớt sai sót, nhầm lẫn?

Hà Ánh
Hà Ánh
10/10/2022 06:05 GMT+7

Năm 2023, Bộ GD-ĐT có chủ trương chỉ đạo các trường ĐH bỏ bớt những phương thức tuyển sinh không phù hợp, gây vướng mắc cho thí sinh.

Điều này xuất phát từ thực tế có quá nhiều phương thức tuyển sinh của các trường, và đây cũng là một trong số các nguyên do dẫn đến tình trạng thí sinh (TS) nhầm lẫn xét tuyển trong năm nay.

Theo báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về công tác tuyển sinh ĐH năm 2022 mới đây, Bộ GD-ĐT chủ trương tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, một số giải pháp về mặt kỹ thuật được tăng cường nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác tuyển sinh của các trường và TS trong quá trình xét tuyển. Đáng chú ý trong báo cáo này, Bộ cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường ĐH rà soát để bỏ bớt các phương thức tuyển sinh không phù hợp trong năm tới. Đó cũng là những phương thức không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho TS.

Hàng ngàn trường hợp nhầm lẫn, sai sót

Thực tế trong năm 2022, các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Để TS thuận lợi trong việc đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển trên hệ thống trực tuyến, Bộ đã quy định mã của 19 phương thức xét tuyển cơ bản. Ở mã phương thức thứ 20, Bộ quy định chung cho các phương thức tuyển sinh khác còn lại. Chưa dừng lại ở đó, trong mỗi phương thức tuyển sinh, các trường còn sử dụng rất nhiều hình thức xét tuyển với cách tính điểm khác nhau. Một số trường ĐH lại có xu hướng kết hợp đồng loạt các tiêu chí xét tuyển trong cùng một phương thức xét tuyển…

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong bối cảnh thực hiện đăng ký trực tuyến trên nền tảng chung như năm 2022, sự đa dạng và phức tạp của phương thức tuyển sinh này đã góp phần dẫn đến nhiều sai sót, nhầm lẫn của TS trong đăng ký NV. Những sai sót được ghi nhận nhiều nhất ở các trường ĐH là TS nhầm lẫn trong phương thức xét tuyển.

Ngay thời điểm TS hoàn tất thực hiện đăng ký NV, một trường ĐH tại TP.HCM ghi nhận có hơn 4.000 trường hợp trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký vào trường này đúng theo phương thức đã đủ điều kiện trúng tuyển. Trước khi tiến hành quy trình lọc ảo xét tuyển toàn quốc, các trường ĐH đã rà soát những trường hợp sai sót liên quan đến phương thức xét tuyển sớm, liên hệ với TS để điều chỉnh hàng ngàn trường hợp. Phó hiệu trưởng một trường ĐH khác tại TP.HCM cũng cho biết trường này đã điều chỉnh sai sót của gần 7.000 trường hợp nhầm lẫn liên quan đến phương thức xét tuyển sớm.

Tự chủ tuyển sinh nên các trường có quyền đưa ra các cách thức tuyển chọn người học phù hợp với trường mình. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh lại khiến TS khó hiểu, thậm chí rối trong lựa chọn.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Dù vậy, sau khi có kết quả trúng tuyển đợt 1, nhiều TS vẫn tiếp tục gửi đơn cứu xét đến các trường ĐH do rơi vào tình trạng không trúng tuyển hoặc trúng tuyển không đúng phương thức do bản thân nhầm lẫn thao tác hoặc trục trặc từ hệ thống. Chẳng hạn, phụ huynh ở Đồng Nai có con trúng tuyển phương thức xét học bạ (phương thức sớm) vào một trường ĐH tại TP.HCM. Theo đơn, TS H.G có thông báo trúng tuyển sớm và khi đăng ký trên hệ thống của Bộ cũng chọn NV1 ngành học này. Tuy nhiên, kết quả từ hệ thống đăng ký, TS đăng ký 2 NV nhưng 1 NV không theo phương thức học bạ trước đó, 1 NV xét học bạ nhưng lại không đúng chương trình học. “Vì vậy, con chúng tôi hiện không trúng tuyển vào ĐH ở ngành, trường ĐH nào”, phụ huynh cho biết.

Cũng liên quan đến xét tuyển sớm, TS N.V.P bất ngờ vì sự thiếu thông tin của bản thân đã dẫn đến tình huống không trúng tuyển vào NV1 dù có điểm thi cao hơn điểm chuẩn trường công bố.

Việc nhầm lẫn phương thức xét tuyển dẫn đến tình trạng không trúng tuyển đúng NV còn được ghi nhận ở nhiều trường hợp khác.

Cần đơn giản hóa phương thức tuyển sinh

Các trường ĐH bày tỏ quan điểm ủng hộ với chủ trương đơn giản hóa phương thức tuyển sinh trong thời gian tới.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

độc lập

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng yêu cầu của Bộ phù hợp với tình hình tuyển sinh trong thời điểm hiện nay. Ông Hạ nói: “Tự chủ tuyển sinh nên các trường có quyền đưa ra các cách thức tuyển chọn người học phù hợp với trường mình. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh lại khiến TS khó hiểu, thậm chí rối trong lựa chọn”. Theo phó hiệu trưởng này, các trường nên chọn những phương thức có nhiều TS lựa chọn và chỉ nên sử dụng tối đa 5 - 6 phương thức.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết ủng hộ 2 chủ trương trên của Bộ trong kỳ tuyển sinh năm sau. Ông Phương nói: “Nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây rối, nhiễu thông tin và khó tránh khỏi sai sót. Tương tự với việc xét tuyển sớm, các trường đã tiếp nhận đăng ký và thông báo trúng tuyển có điều kiện nhưng TS vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống các phương thức sớm đó, điều này rườm rà và gây rối cho TS”. Ông Phương cho biết trường có thể cân nhắc bỏ bớt phương thức sử dụng điểm xét tốt nghiệp THPT trong năm tới.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng với nhiều phương thức khác nhau, TS muốn lựa chọn xét tuyển từ 2 trường trở lên cũng khá khó khăn để đăng ký do có nhiều tiêu chí phức tạp. Do vậy, việc giản lược phương án tuyển sinh sẽ giúp TS thuận tiện hơn trong việc học và thi. Trong đó, 2 hình thức chính các trường có thể áp dụng là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT.

Về phương thức sớm, ông Quốc Anh ý kiến: “Nếu vẫn duy trì hình thức đăng ký xét tuyển như năm nay thì việc xét tuyển sớm cũng không còn thật sự cần thiết. Nếu vẫn giữ hệ thống lọc ảo xét tuyển như năm 2022, nên chăng toàn bộ dữ liệu được xem xét, lọc ảo và xét tuyển 1 lần sẽ phù hợp và công bằng hơn cho TS”. Nhấn mạnh yếu tố công bằng, ông Quốc Anh lý giải thêm: “Như cách làm năm nay với phương thức sớm, nhiều khi TS trúng tuyển vì đăng ký sớm. Trong khi đó, những TS giỏi hơn nhưng do không đăng ký phương thức sớm nên không trúng tuyển”.

Thí sinh không “mặn mà” với phương thức xét tuyển sớm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, qua các phương thức xét tuyển sớm theo kế hoạch tuyển sinh của từng trường ĐH cho thấy, trung bình mỗi TS đủ điều kiện trúng tuyển vào 2, 3 NV. Tuy nhiên, phần lớn các TS không “mặn mà” với các phương thức xét tuyển sớm.

Cụ thể, trong số những TS đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, chỉ 35% đăng ký NV1 với các phương thức này. Khi kết thúc xét tuyển đợt 1, trong số những TS trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, có 30% TS không đăng ký NV1 vào phương thức xét tuyển sớm. Nghĩa là những TS này đặt NV1 và các NV cao hơn vào phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT 2022, nhưng không đỗ.

Đặc biệt, khi bắt đầu xét tuyển đợt 1, có tới 35% TS tuy đã đăng ký xét tuyển sớm và được trường ĐH thông báo đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không đăng ký các NV này vào hệ thống. Điều đó cho thấy các TS trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại hoàn toàn không muốn vào các ngành mà mình đã được công bố trúng tuyển theo phương thức này.

Một con số thú vị khác cũng được Bộ GD-ĐT cung cấp, đó là chỉ có 28% TS trúng tuyển thẳng (được các giải học sinh giỏi quốc gia, giải thưởng cuộc thi khoa học kỹ thuật…) xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là có 72% TS trúng tuyển thẳng đã không dùng quyền được tuyển thẳng, mà tiếp tục lựa chọn đăng ký xét tuyển.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, tổng số NV đủ điều kiện trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống để xử lý NV là 1.259.645. Tổng số TS được xét trúng tuyển đợt 1 là 567.399 (trong đó 3.580 TS trúng tuyển cao đẳng sư phạm mẫu giáo). Số được xét trúng tuyển đạt 97,03% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu toàn quốc năm 2022 tăng khoảng 60.000, tương đương với 12% so với năm 2021).

Quý Hiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.