Tuyển sinh lớp 10: Ra đề thi sao cứ bị trùng?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/06/2019 08:06 GMT+7

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được coi là khốc liệt nhất, đã và đang diễn ra ở các địa phương trên cả nước. Hàng loạt sự cố về đề thi như nghi vấn lộ đề, trùng đề , đề quá khó, quá lạ, quá an toàn... khiến gia tăng sự lo lắng về cách kiểm tra, đánh giá hiện nay.

Sự cố đề thi tuyển sinh môn ngữ văn vào lớp 10 của tỉnh Quảng Bình trùng với đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 của học sinh (HS) TP.Đồng Hới buộc Sở GD-ĐT tỉnh này phải tổ chức thi lại môn văn chưa lắng xuống thì dư luận lại xôn xao về sự trùng hợp trong đề thi môn văn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Nghệ An…
Không phải đến mùa tuyển sinh năm nay, những lùm xùm về đề thi môn ngữ văn mới nổi lên. Nhiều kỳ thi tốt nghiệp, ngay trước đêm thi môn văn, HS vẫn truyền tai nhau rằng ngày mai đề sẽ ra vào tác phẩm này, tác phẩm kia… và đã có những lần đề thi chính thức rơi vào đúng tác phẩm như vậy. Sau đó, ban chỉ đạo thi phải tiến hành điều tra, xem xét liệu có xảy ra việc lộ đề hay không và thường đi đến kết luận sự trùng hợp trong lời đồn đoán chỉ là ngẫu nhiên, vì chương trình môn ngữ văn của lớp 9 hoặc lớp 12 chỉ có bấy nhiêu tác phẩm nên việc HS hay giáo viên đoán vào tác phẩm nào đó cũng là bình thường.

Học tác phẩm nào, thi đúng tác phẩm đó

Cách thay đổi dạy học nhanh nhất, thông minh nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh người VN là thay đổi cách ra đề thi
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngữ liệu đưa vào đề thi đã nghèo nàn như vậy, nhiều trường học, giáo viên còn áp dụng phương pháp loại trừ. Ví dụ 2 năm gần đây, đề thi đã ra vào tác phẩm này thì năm nay sẽ không thi tác phẩm ấy nữa… nên việc học “trúng tủ” rất thường xảy ra.
Với mảng văn học trong nhà trường, do quan niệm học gì thi nấy, dạy học thi cử coi sách giáo khoa là tài liệu ôn thi tốt nhất thì việc đoán “tủ” rồi “trúng tủ” là khó tránh khỏi.
Ví dụ, ở chương trình lớp 12 có 13 tác phẩm nên việc ôn thi THPT quốc gia không thể tránh khỏi việc thầy trò cứ “cày nát” 13 tác phẩm ấy cho đến ngày đi thi. 13 tác phẩm đương nhiên không đủ để 63 tỉnh thành tổ chức khảo sát, thi thử cho HS lớp 12 trước kỳ thi THPT quốc gia. Vì lý do đó nên theo cô Hà Thanh (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội), nếu căn cứ vào tác phẩm đã được ra trong đề thi thử của tỉnh A, B đó có tác phẩm giống đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia và nói đề thi lộ đề, trùng đề thì rất khó.
PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn mới, cũng cho rằng công tác kiểm tra đánh giá với môn ngữ văn hiện hành đã có những chuyển biến tích cực; chẳng hạn định hướng ra đề mở, tăng cường nghị luận xã hội, kết hợp hình thức tự luận với trắc nghiệm… Tuy nhiên, việc kiểm tra đánh giá vẫn còn hạn chế.
“Hạn chế lớn nhất là chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức một cách sáng tạo; đề thi ngữ văn chủ yếu vẫn là kiểm tra kiến thức, trí nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại… học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó; chỉ được kiểm tra vào đúng những gì đã dạy, trừ một số đề về nghị luận xã hội”, PGS Thống nêu thực tế.

Dạy học sáng tạo sẽ bị mai một

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra cùng thời điểm ở các nơi nên dư luận so sánh cách thức ra đề của từng địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn để nhìn nhận về tinh thần dám đổi mới, sáng tạo của ngành GD-ĐT từng địa bàn.

Đề thi của Hà Nội và nhiều tỉnh thành được đánh giá là an toàn, quen thuộc, ra theo lối mòn… Rất nhiều năm nay vẫn vậy và không kích thích được đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới. Trong khi đó, cách thức ra đề của TP.HCM, đặc biệt là môn ngữ văn được nhiều giáo viên đánh giá sẽ tạo cho HS sự lựa chọn và sáng tạo cao, có “đất” cho HS giỏi thể hiện.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phát biểu: “Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 như Hà Nội vừa qua, chương trình môn toán mới sẽ chết từ trong trứng”.
GS Thái phân tích: “Cách thay đổi dạy học nhanh nhất, thông minh nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh người VN là thay đổi cách ra đề thi. Tôi nghe một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM kể chuyện kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 vừa rồi, TP.HCM thay vì ra đề theo 5 bài một cách truyền thống... thì ra đề thi hoàn toàn khác - họ ra bài toán gắn liền với thực tế. Kết quả là năm đó HS làm bài không tốt vì chưa quen với việc mô hình hóa dữ liệu thực tế thành toán học. Nhưng hiệu ứng của cách ra đề này mới hay vì sau đó các trung tâm luyện thi, các nhà trường lập tức chuyển sang dạy những bài toán có ứng dụng thực tế. Chúng ta cứ bắt HS làm những dạng bài như rút gọn biểu thức mà ngay cả những người làm toán chuyên nghiệp lẫn toán ứng dụng đều không nhìn thấy mục đích để làm gì”.
Cứ kết thúc mỗi kỳ thi tối quan trọng như thi tuyển sinh vào lớp 10, thi ĐH, nhìn vào cách ra đề, giáo viên lại bảo nhau: sáng tạo thế nào thì sáng tạo, vẫn phải học bám sát cách ra đề thi. Phụ huynh và xã hội chỉ xem con họ đi thi được mấy điểm, có đỗ hay không chứ không quan tâm con họ có năng lực gì, sáng tạo đến đâu… Rõ ràng, việc thi gì học nấy là không thể tránh khỏi.
Phát biểu của ông Nguyễn Vinh Hiển vào năm 2015, lúc đó là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại hội thảo về đổi mới cách ra đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia để sau đó bộ quyết định đưa ngữ liệu ngoài sách giáo khoa vào đề thi, đã nhận được rất nhiều đồng tình của dư luận: “Chữa bệnh thì cần thuốc đắng. Với những bất cập trong việc dạy học hiện nay, cần phải có tác động mạnh từ việc thi cử mới mong có những chuyển biến tích cực hơn. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.