Sơ đồ này đã phát huy hiệu quả khi tuyển Việt Nam thắng tưng bừng đối thủ dưới cơ Indonesia, gặp chút khó khăn trước khi giải quyết được Malaysia bằng quả phạt đền. Sau đó thì lại lúng túng ở hiệp đầu trận gặp UAE, rồi tiếp cận tốt khi gặp Ả Rập Xê Út nhưng lại hụt hơi không thể cầm bóng sau đó và đến trận thua Úc thì không tìm được một bàn thắng nào. Khi nhận xét về cách vận hành này, hầu hết giới chuyên môn đều cho rằng ông Park đã tạo nên một cự ly đội hình hợp lý, đông quân ở dưới, nỗ lực tranh chấp ở giữa nhưng lại không thể hiện được sự tấn công bén nhạy khi gặp đối thủ mạnh do có quá ít người phối hợp ở tuyến đầu.
Công Phượng nên chăng được ông Park xếp đá chính thay vì đưa anh vào quá trễ |
VFF |
Thực tế trong 2 trận hồi tháng 9, tuyển Việt Nam chỉ có 1 bàn thắng từ pha lóe sáng của Quang Hải, còn lại những pha dàn xếp đều thiếu tính đột biến, chưa đủ gây khó cho đối thủ. Nguyên nhân là các tiền vệ phải lùi sâu, ngay Phan Văn Đức và Quang Hải dù là những tiền vệ công nhưng phần lớn thời gian cũng bị đẩy xuống thấp để hỗ trợ cho Tuấn Anh và Hoàng Đức. Vì thế, Tiến Linh gần như lẻ loi luôn rơi vào tình trạng đói bóng. Khi phản công, xung quanh chân sút Bình Dương cũng không có người lên phối hợp kịp gây khó cho đối thủ. Nhiều lúc anh phải tự mình chơi lùi để đợi tuyến giữa dâng lên và do vậy không còn đủ sức tạo ra tầm hoạt động rộng, đồng nghĩa hiệu quả cũng không cao. Ông Park không phải không nhìn thấy điều đó, nhưng với phương châm an toàn trước đối thủ mạnh và chỉ thay đổi khi thực sự cần thiết nên nhiều lúc ông vẫn khăng khăng giữ nguyên công thức cũ này khiến cho hàng công không thực sự tạo được điểm nhấn.
Thầy Park quan sát từng cầu thủ trong buổi tập |
VFF |
Nhưng lần này trước tuyển Trung Quốc, một đối thủ không quá mạnh so với mình, hơn nữa cũng có một hàng thủ vẫn còn loay hoay ở vị trí trung vệ thì cơ hội để ông Park thay đổi làm mới hàng công đã đến. 3 trận vừa rồi của Trung Quốc lần lượt gặp Syria (cuối vòng loại thứ 2 bảng A), Úc, Nhật Bản, cặp trung vệ của họ chỉ có 1 cầu thủ chơi xuyên suốt là Tyias Browning (6), còn lại người đá cặp liên tục thay đổi từ Zang Linpeng (5) ở trận Syria rồi đến Yu Dibao (22) ở trận thua Úc và mới nhất là Li Ang (2) ở trận thua Nhật Bản, cho thấy sự thiếu ổn định. Rõ ràng Trung Quốc chưa tạo ra một cặp trung vệ đủ mạnh trong sơ đồ 4-4-2 của họ và sẽ là thời cơ cho chúng ta khai thác. Nếu ông Park mạnh dạn cho tuyển Việt Nam đá 2 mũi nhọn thì việc tận dụng cách bố trí chưa thực sự gắn kết này của cặp trung vệ đối thủ có thể sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt cho tuyển Việt Nam.
Thế nên ở thời điểm cần làm mới đội hình, nên chăng ông Park cần giải phóng vai trò của 1 tiền vệ để gia tăng sức tấn công khi chạm trán với tuyển Trung Quốc. Việc Công Phượng từng thích nghi tốt khi đá tiền đạo hồi Asian Cup cũng như sự khởi sắc gần đây khi “nổ súng” liên tục của cầu thủ HAGL này trong các trận đấu tập đang mang đến nhiều hứng khởi. Hy vọng ông Park sẽ bố trí tuyển Việt Nam chơi 2 tiền đạo để tạo nên một thế trận dù là phòng ngự phản công nhưng vẫn đủ làm khó đối thủ và quyết ghi bàn vào ngày 8.10 tới.
Bình luận (0)