Chưa có điểm nào sau 3 trận và lại chơi tại Muscat nên dĩ nhiên chúng ta vẫn xác định mình là “cửa dưới” và vẫn sẽ trung thành với lối đá phòng ngự phản công cho dù đối thủ không quá mạnh như Iran, Iraq, Jordan, Ả Rập Xê Út hay UAE là những đội Tây Á khác mà tuyển Việt Nam từng gặp.
Trận tuyển Việt Nam gặp Oman: Hồ Tấn Tài thế chỗ Vũ Văn Thanh, tại sao không? |
Cách chơi đó thầy trò HLV Park Hang-seo đã vận dụng khá nhuần nhuyễn trong 3 năm qua và dù kết quả có lúc không thuận lợi, nhưng cũng không thể làm khác được. Điển hình như trận gặp tuyển Trung Quốc vừa rồi, khi nhìn ra đối thủ không mạnh hơn mình, ông Park rất muốn thay đổi lối chơi cho dâng cao đội hình tràn lên, nhưng tuyển Việt Nam lại không quen với cách đá áp đặt trước đối thủ có thể hình vượt trội, nên khá lúng túng, mắc nhiều sơ suất và cuối cùng phải quay về lối đá cũ.
Ông Park cùng các học trò cần tìm lại không khí thoải mái, không bị áp lực trước trận gặp Oman |
VFF |
Vấn đề bây giờ với tuyển Việt Nam là phải thực sự thoải mái trong cách chơi, đừng gò bó, đừng đặt mình vào thế phải đeo bám, rượt đuổi theo bóng nhiều quá. Thế trận phòng ngự phản công vẫn tạo nên sự chủ động nhịp nhàng nếu kiểm soát bóng tốt với cự ly đội hình chặt chẽ, gắn kết, không chỉ giăng bẫy đưa đối thủ vào thế nôn nóng mà còn mang lại tâm lý tự tin, phấn khích cho tuyển thủ chúng ta. Muốn vậy thì ông Park và các học trò phải nhanh chóng giải tỏa áp lực. Thực tế trận đấu với Trung Quốc cho thấy từ HLV Park Hang-seo đến nhiều vị trí trên sân, nhất là hàng thủ và 2 cánh, vẫn mang trong mình áp lực khá lớn. Người xem truyền hình thấy rất rõ khi trận đấu bắt đầu, ông Park cúi mặt như đang cầu nguyện và sau đó cứ nhấp nhổm trong khu kỹ thuật. Khi Tiến Linh ghi bàn gỡ 2-2, ông chạy ra ăn mừng một cách bùng nổ giống như vừa dỡ bỏ cả một ngọn núi đè lên ngực mình.
Áp lực lớn là do kỳ vọng lớn, chính ông Park hiểu điều đó như cách ông trả lời họp báo rằng nhiều người bạn đã hỏi ông làm thế nào thắng tuyển Trung Quốc. Sự mong mỏi khiến ông phải chịu không ít căng thẳng. Khi bị áp lực, rõ ràng nhiều lúc quyết định đưa ra sẽ không tránh khỏi thiếu sáng suốt, như chuyện đưa hậu vệ trẻ Thanh Bình vào sân thay Tiến Dũng mà chính ông sau trận đã thừa nhận lỗi là do mình. Khi bị áp lực như vậy rất khó tránh khỏi chuyện ông Park phải cầu toàn với những phương án đã giúp mình thành công trước đây thay vì làm mới nhân sự và thay đổi mang lại sự tươi mát hơn cho hàng công. Một khi thuyền trưởng đội tuyển chịu nhiều áp lực như vậy thì làm sao các cầu thủ chơi trên sân có được sự tự tin cần thiết và nhiều lúc cũng không tránh khỏi tình trạng chân như “đeo chì”.
Thế nên lúc này việc giải tỏa áp lực cho đội tuyển là vô cùng cần thiết. Trách nhiệm này trước hết thuộc về VFF và Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển. Cần có sự động viên, khích lệ và xác định rằng việc chúng ta có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, là 1 trong 12 đội châu Á xuất sắc nhất đã là một kỳ tích với một nền bóng đá mới bắt đầu vươn lên như Việt Nam. Còn cả một quá trình dài để phấn đấu chứ không nên quá quan trọng chuyện thắng thua trong 1 trận đấu hay 1 giải đấu. Mấu chốt là những thất bại vừa qua đã mang lại nhiều bài học quý, là những trải nghiệm thiết thực để đội tuyển từng bước củng cố, phát triển. Điều này sẽ góp phần giúp cho bầu không khí đội tuyển trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, xua đi nỗi âu lo không cần thiết để tập trung toàn lực cho một trận đấu hay trước Oman. Mong là như thế.
Bình luận (0)