Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP.HCM sẽ dùng xe điện?

23/08/2022 17:33 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TPH.CM đề xuất phương tiện cho tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 - thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP.

Tuyến BRT số 1 của TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng, trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách TP gần 423 tỉ đồng.

Dự án Phát triển Giao thông xanh có mục tiêu chính là xây dựng và đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1

Toàn tuyến dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức). Theo kế hoạch, tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP.HCM sẽ đưa vào khai thác năm 2024.

Theo phương án trước đây, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 - 72 hành khách. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và tham vấn chuyên gia, Sở GTVT đề xuất UBND TP xem xét chọn xe buýt điện cho tuyến này.

Sở GTVT cho biết, xe buýt điện thân thiện môi trường, quá trình chạy không gây tiếng ồn, không có nguy cơ cao về cháy nổ. Chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng tiết kiệm hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong.

Tuy nhiên, hạn chế của loại phương tiện này là chi phí đầu tư ban đầu cao hơn khoảng từ 1,5 đến 3 lần xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG, dẫn đến kinh phí trợ giá trong quá trình vận hành cao hơn. Việc đầu tư hệ thống bãi đỗ xe và hạ tầng trạm sạc đảm bảo đáp ứng nhu cầu nạp điện cho phương tiện cũng có chi phí tương đối lớn.

Ngoài ra, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp xe và dịch vụ trên tuyến gặp khó do xe buýt điện là loại hình mới nên chưa có định mức, đơn giá làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu.

TP.HCM đang thí điểm tuyến buýt điện cỡ lớn kết nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1)

Để thuận tiện khi triển khai, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế xe cho phù hợp với thực tiễn, hạn chế các yêu cầu kỹ thuật quá đặc thù ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc sản xuất cung cấp xe.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.

Trường hợp không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu hoặc nhận đặt hàng cung cấp dịch cho tuyến BRT số 1, Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất tham mưu UBND TP các giải pháp thay thế phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác phù hợp với tình hình thực tiễn.

TP.HCM hiện có hơn 2.000 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến. Tháng 3 vừa qua, thành phố thí điểm tuyến buýt điện cỡ lớn kết nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn (quận 1). Đây là tuyến đầu tiên đưa vào hoạt động trong 5 tuyến buýt điện với tổng cộng 77 xe do VinFast sản xuất. 4 tuyến còn lại chuẩn bị đưa vào khai thác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.