Chuyên về điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, Từ Băng từng là Phó chủ tịch Học viện Mỹ thuật Trung ương, Tiến sĩ danh dự của Đại học Columbia, Giáo sư Đại học Cornell, người đoạt hàng loạt giải thưởng của Trung Quốc và phương Tây.
Sinh năm 1955 tại Trùng Khánh, lớn lên ở Bắc Kinh, Từ Băng (徐冰) học khoa in ấn của Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh, sau đó ông giảng dạy một thời gian ngắn ở nơi này rồi nhận bằng thạc sĩ Mỹ thuật vào năm 1987.
Trang bìa Thiên thư với những chữ Hán giả. Hai chữ 天書 (Thiên thư) không xuất hiện bất kỳ nơi đâu trong sách |
Wikipedia |
Từ Băng - một nghệ sĩ đại diện của nghệ thuật đương đại Trung Quốc |
sohu.com |
Tháng 10 năm 1988, tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Trung Quốc ở Bắc Kinh, Từ Băng trình làng một tác phẩm gây chấn động, đó là Thiên thư (天书/天書), một quyển sách thực hiện theo phong cách chữ viết từ triều đại nhà Tống và nhà Minh. Khái niệm thiên thư có 2 nghĩa: sách do thần tiên viết và là loại văn chương, chữ viết khó đọc hoặc khó hiểu. Thiên thư của Từ Băng thuộc loại thứ hai, song không chỉ khó hiểu, chính xác hơn thì phải gọi là… vô nghĩa.
Thiên thư gồm 4 tập, 604 trang, chỉ có một bản (tổng cộng 126 bản in từ năm 1987 đến năm 1991). Bộ sách này gồm có 4.000 ký tự, rất giống số ký tự sử dụng phổ biến trong tiếng Trung Quốc hiện đại. Chúng đều làm bằng gỗ lê, có thể di chuyển được, song hơi phẳng hơn so với kiểu chữ Tống.
Tuy nhiên, khi ghép lại thành chữ thì hoàn toàn không có nghĩa, bởi vì đây là những ký tự Trung Quốc giả, Từ Băng đã đặt chúng ở vị trí song ánh, tức ánh xạ từng ký tự thật của Hán ngữ tương ứng với một trong 4.000 ký tự “cố tình nhái” của ông.
Ban đầu, tác phẩm có nhan đề Cái gương phân tích thế giới: Tập cuối cùng của thế kỷ (析 世 鉴 - 世纪末 卷), gợi lên hình ảnh quyển sách giống như là “giám” (cái gương soi), phản ánh truyền thống lịch sử cung đình. Tuy nhiên, về sau Từ Băng cảm thấy nhan đề “rườm rà ” nên đổi thành Thiên thư.
Tác phẩm Thiên thư của Từ Băng trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Blanton, Đại học Texas tại Austin, Texas, nước Mỹ (2016) |
xubing.com |
Từ Băng sử dụng các ký tự làm bằng gỗ lê để in tác phẩm này trên một tờ giấy tráng lớn, trưng bày bằng cách treo trên trần nhà và bốn bức tường của địa điểm rộng khoảng 300 mét vuông, còn dưới sàn là hàng trăm quyển “chữ Hán giả” không ai có thể hiểu được.
Giới phê bình nghệ thuật tỏ ra “phân hóa” trước Thiên thư của Từ Băng. Một bài báo mô tả Thiên thư là “những bức tường ma” (quỷ đả tường/鬼打墙); trong khi đó, các nghệ sĩ “Làn sóng mới” lại thấy nó quá “truyền thống và hàn lâm”.
Tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce, một trong những tác phẩm được so sánh với Thiên thư của Từ Băng |
amazon.com |
Dẫu sao thì cuộc triển lãm Thiên thư (1988) đã thu hút một lượng lớn khán giả, không chỉ giới nghệ sĩ mà còn nhiều giáo sư, nhà phê bình nghệ thuật. Họ cố tìm một ký tự Trung Quốc thật trong Thiên thư song không hề thấy, ngay cả ở bìa sách người ta cũng không thấy nhan đề… Thiên thư.
Có thể nói Thiên thư là tác phẩm đại diện cho “Làn sóng mỹ thuật mới năm 1985”, là “biểu tượng chính của phong trào tự do hóa rộng rãi”. Tác phẩm này được so sánh với quyển Finnegans Wake của James Joyce - "một tiểu thuyết hư cấu kết hợp với truyện ngụ ngôn, pha trộn tác phẩm phân tích và giải cấu trúc".
Kể từ khi xuất bản năm 1988, Thiên thư của Từ Băng được trưng bày trong một số viện nghệ thuật trên thế giới và gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu. Nhiều nhà phê bình đã giới thiệu Thiên thư trong các sách lịch sử nghệ thuật. Tác phẩm này đã đem về cho Từ Băng nhiều giải thưởng danh giá. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục sáng tạo, triển lãm nhiều tác phẩm gây tiếng vang khác, chúng tôi sẽ giới thiệu ở bài sau. (Còn tiếp)
Bình luận (0)