“Quá tuyệt vời”, “Công an VN số 1 thế giới”, “Cám ơn các anh”... là những lời cảm thán tràn ngập mạng xã hội và những phản hồi của bạn đọc Báo Thanh Niên khi thông tin công an đã bắt giữ 2 nghi phạm, trong vụ thảm sát gia đình 6 người tại Bình Phước, vừa được công bố. Chuyện này cũng giống như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang năm 2011, cơ quan công an cũng phá án rất nhanh, làm nức lòng nhân dân cả nước.
Điểm chung của những vụ việc trong thời gian vừa qua (kể cả kinh tế, dân sự và hình sự) mà thời gian phá án nhanh kỷ lục đều là những vụ trọng án hoặc có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao hoặc sự chỉ đạo của trung ương. Mẫu số chung dường như là: việc này phải có Bộ vào mới xong…
Thực sự, tâm trạng này của xã hội là có thật và nó gây cảm giác buồn xen lẫn vui. Vui vì lực lượng công an tinh nhuệ, khi đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng lòng thì dù khó vẫn được giải quyết rất nhanh chóng. Nhưng không khỏi buồn vì còn quá nhiều việc, quá nhiều chuyện liên quan đến an ninh trật tự hằng ngày của người dân bị bỏ lơ bởi sự vô cảm của một bộ phận cơ quan chức năng địa phương. Nạn trộm cắp nông sản hoành hành dữ dội gần đây, nạn trộm chó, nghiện hút… đe dọa an ninh các làng quê kéo dài nhiều năm. Rất nhiều người dân đã chọn cách im lặng thay vì đi báo công an khi mất một chiếc xe đạp, thậm chí là xe máy vì phải trải qua thủ tục phức tạp mà cuối cùng chả đi đến đâu.
Có thể lực lượng chức năng địa phương có lý do rằng họ có quá nhiều việc lớn để phải giải quyết hơn là những vụ… trộm cắp vặt như vậy. Nhưng tất cả những sự mất an ninh dù nhỏ nhất, nếu không được giải quyết dứt điểm, chính là nguyên nhân gây ra những bất an lớn, gây mất lòng tin trong nhân dân về sự bảo đảm an ninh của chính quyền. Trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự là của chính quyền địa phương. Bộ Công an không thể về Nghệ An để phá một vụ trộm chó, nhưng chính chuyện trộm chó không được giải quyết lại là nguyên nhân của rất nhiều vụ phá hoại tài sản và thậm chí là án mạng.
Có người đặt câu hỏi, tại sao nạn nhân nữ trong vụ thảm án ở Bình Phước lại bấm máy gọi cho người thân như báo chí phản ánh mà không phải là gọi cho cảnh sát, trong khi rõ ràng ở tình thế đó gọi cho cảnh sát ít rủi ro hơn? Người dân không được trang bị những kiến thức cần thiết nhất để bảo vệ mình trong tình huống khẩn cấp (chẳng hạn như phải biết 113 là số khẩn cấp gọi cảnh sát) hay người ta không tin cảnh sát có thể có mặt ngay để cứu mạng họ? Có lẽ là cả hai.
Sau thành tích rất đáng khen ngợi này, việc mà Bộ Công an cần phải làm ngay, đó là tăng cường năng lực (có lẽ là trách nhiệm nghề nghiệp thì đúng hơn) cho lực lượng ở các địa bàn. Sự phản ứng quá chậm chạp của công an địa phương, cảnh sát khu vực với các trình báo về an ninh trật tự trên địa bàn là nguyên nhân chính khiến cho người dân thiếu niềm tin vào năng lực bảo đảm an ninh trật tự của họ. Phản ứng nhanh, tích cực trong việc bảo đảm an ninh trật tự vẫn tốt hơn là phá án nhanh.
Bình luận (0)