Theo Reuters ngày 29.5, Twitter đã gắn nhãn cảnh báo tính chính xác của dòng trạng thái trên tài khoản Twitter của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.
Thông tin được đăng ngày 12.3 cho rằng có thể quân đội Mỹ đã mang Covid-19 đến Vũ Hán, nơi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện. Bên cạnh đó, ông Triệu còn kêu gọi Mỹ minh bạch thông tin và cho rằng Mỹ nợ thế giới lời giải thích.
Twitter đã gắn nhãn cảnh báo người sử dụng mạng xã hội nên kiểm chứng thông tin mà ông Triệu viết với những bằng chứng đã được xác minh về dịch Covid-19.
|
Bên dưới bài đăng có đường dẫn đến một trang với những thông tin được truyền thông và tổ chức quốc tế tuyên bố để giúp người dùng đối chiếu. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng bằng chứng cho thấy Covid-19 bắt nguồn từ động vật và không phải là sản phẩm từ phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, Twitter cũng trích dẫn những bài báo chỉ ra rằng các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã chia sẻ những giả thuyết không có căn cứ, nói rằng Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Mỹ.
Việc gắn nhãn cảnh báo nói trên nằm trong chiến dịch lớn của Twitter nhằm kiểm tra tính xác thực của các bài đăng trên mạng xã hội này.
Trước đó, Twitter đã gắn nhãn “có khả năng gây hiểu lầm” đối với bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26.5, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh việc tiến hành bỏ phiếu bầu cử tổng thống qua đường bưu điện sẽ dẫn đến gian lận và tạo ra một “cuộc bầu cử bị lũng đoạn”. Sau đó, Tổng thống Trump tố cáo Twitter tìm cách “can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020”.
Ngày 28.5, Tổng thống Trump ký lệnh hành pháp chỉ thị các cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ đánh giá xem liệu các nền tảng mạng xã hội có đủ điều kiện để được miễn trừ pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải hay không, theo AFP.
Nếu các cơ quan chính phủ xác định là không đủ điều kiện thì các nền tảng mạng xã hội được xem là "nhà xuất bản", tức phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải.
Bình luận (0)