Tỷ giá vẫn 'căng'

Mai Phương
Mai Phương
27/05/2024 06:26 GMT+7

Tỷ giá VND/USD tiếp tục căng thẳng do áp lực từ biến động của thị trường tài chính toàn cầu, đó cũng là tình trạng chung ở các nước.

VND giảm giá tương tự xu hướng các nước

Ngày cuối tuần (25.5), tỷ giá trung tâm giữa VND so với USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.264 đồng, tăng 22 đồng so với đầu tháng 5. Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giá USD tăng kịch trần. Chẳng hạn, Vietcombank mua USD chuyển khoản 25.277 đồng và bán ra 25.477 đồng; BIDV mua chuyển khoản 25.282 đồng và bán ra 25.477 đồng… 

So với đầu tháng 5, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng 23 đồng. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thừa nhận từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua. 

Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất (LS). Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm LS của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, khiến USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (USD-Index) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Tỷ giá vẫn 'căng'- Ảnh 1.

Từ đầu năm đến giữa tháng 5, VND giảm giá 5% so với USD

Ngọc Thắng

Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 5, nhập khẩu của cả nước ước đạt 132,23 tỉ USD, tăng 19,7 tỉ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ. Đồng thời, trong khi Mỹ tiếp tục giữ LS USD ở mức cao, LS VND thấp hơn so với LS USD quốc tế (khiến chênh lệch LS giữa hai đồng tiền âm), thúc đẩy các tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, đồng nghĩa với việc chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại. 

Chuyên gia hiến kế đối phó áp lực tăng tỷ giá

Trong khi đó, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại mang tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá. Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nhận xét mức giảm giá của VND từ đầu năm đến nay là phù hợp với biến động trên thị trường thế giới. Tỷ giá hối đoái của VN vẫn đang chịu rất nhiều áp lực và xu hướng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2024. Trong đó nguyên nhân quan trọng là Mỹ vẫn neo giữ LS ở mức cao còn VN đã giảm mạnh LS. 

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Với việc LS VND đang ở mức thấp trong khi LS USD cao thì khả năng bán ròng và rút ngoại tệ ra khỏi VN của khối ngoại khá lớn, tạo thêm áp lực lên nhu cầu trong nước. Đồng thời, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế cũng duy trì ở mức quá cao sẽ kích thích hoạt động gom mua USD tự do để nhập lậu vàng, từ đó góp phần gây tác động đến tỷ giá chính thức…

Xem xét tăng LS, giảm chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích: USD ở mức cao và từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều đợt gia tăng. Khả năng Fed giảm mạnh LS trong năm nay rất hiếm xảy ra và nếu có thì cũng chỉ có thể giảm nhẹ khoảng 0,25%, chưa tác động gì đến tỷ giá hối đoái của VN. Đồng nghĩa là hàng loạt áp lực lên tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay vẫn còn kéo dài. 

Để giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái, ổn định VND thì ngoài những chính sách, công cụ mà NHNN đã và đang áp dụng, ông Huân đề xuất cần giải quyết nhanh việc chênh lệch quá cao giá vàng trong nước với quốc tế để hạn chế tình trạng buôn lậu, gây căng thẳng lên giá USD tự do. Đồng thời, NHNN cần tăng dần LS trên thị trường liên ngân hàng để nâng dần mặt bằng LS trên thị trường chung, giảm bớt chênh lệch với LS USD quốc tế. Quan trọng nhất, NHNN nên có tuyên bố rõ ràng về chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm để người dân có kỳ vọng hợp lý.

Tỷ giá vẫn 'căng'- Ảnh 2.

"Chính sách tiền tệ cần minh bạch và có lộ trình, không nên tăng hay giảm LS quá đột ngột. Giống như mọi người đều biết từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giữ nguyên LS hoặc giảm LS mà không tăng do cơ quan này đã công bố rõ lộ trình. Chính sách của Fed sẽ là biến số cho tỷ giá hối đoái của nhiều nước, trong đó có VN. Tuy nhiên nếu chúng ta có dự báo trước và đưa ra lộ trình phù hợp thì sẽ chủ động hơn trong việc điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ hợp lý, tránh chỉ ở thế bị động. Hơn nữa, chính sách tiền tệ thường chỉ có tác dụng sau 3 - 6 tháng nên nếu công tác dự báo không thực hiện tốt thì không thể phát huy được hiệu quả, thậm chí có lúc mang lại hiệu quả ngược vì đã không còn phù hợp với thời điểm", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định các yếu tố gây áp lực lên tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay vẫn chưa giảm. Trong đó, chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế vẫn neo ở mức cao đã thúc đẩy hoạt động buôn lậu gia tăng. Từ đó những người có hành vi buôn lậu vàng cũng gom USD tự do, góp phần làm tăng tổng cầu của thị trường. Đáng chú ý, LS tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp trong thời gian qua và cách xa LS tham chiếu của Mỹ nên việc đầu cơ vào USD cũng gia tăng. Có thể nói rằng ngoài áp lực từ đồng USD thế giới, chênh lệch giá vàng và LS thấp của VN đang cộng hưởng đẩy tỷ giá lên ngày càng cao. 

Chính sách tiền tệ thường chỉ có tác dụng sau 3 - 6 tháng nên nếu công tác dự báo không thực hiện tốt thì không thể phát huy được hiệu quả, thậm chí có lúc mang lại hiệu quả ngược vì đã không còn phù hợp với thời điểm.


PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM

NHNN cần xem xét tăng nhẹ trở lại LS tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng để thu hẹp chênh lệch với LS USD. Đồng thời nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, kéo chênh lệch giá trong nước với thế giới đi xuống cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái.

TS Nguyễn Trí Hiếu


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.