Tỷ lệ học sinh từ lớp 1 - 3 tại TP.HCM bị sâu răng rất cao

Duy Tính
Duy Tính
21/07/2024 13:08 GMT+7

Bước đầu TP.HCM đã nhận diện được tình hình sức khỏe răng miệng của học sinh tiểu học trên địa bàn.

Ngày 21.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có kết quả triển khai thí điểm mô hình trường - trạm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học tại 7 trường thuộc 4 quận tại TP.HCM: Q.1 (1 trường), Q.5 (2 trường), Q.6 (2 trường) và H.Cần Giờ (2 trường).

Theo đó, qua đợt khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng đợt 1, TP.HCM đã điều trị dự phòng cho 6.719/7.571 học sinh, phát hiện 4.253 học sinh bị sâu răng (63,3%), 3.040 học sinh viêm nướu (45,2%), 64 học sinh có răng nhiễm flour (0,95%), 60 học sinh bị mất răng (0,89%), 46 học sinh có bệnh lý niêm mạc miệng (0,68%), 27 học sinh có thiểu sản men răng (0,40%), 5 học sinh bị viêm nha chu (0,07%), 1 học sinh có dị tật khe hở môi - vòm miệng (0,01%).

Ngoài ra, kết quả khảo sát trong chương trình thí điểm cũng cho thấy ở các khối lớp nhỏ có tỷ lệ sâu răng cao hơn những khối lớp lớn. Cụ thể, tỷ lệ sâu răng của học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 khoảng 67 - 69%, tỷ lệ sâu răng của học sinh lớp 4 là 61%, lớp 5 là 53%.

Tỷ lệ học sinh từ lớp 1 - 3 tại TP.HCM bị sâu răng rất cao- Ảnh 1.

Y bác sĩ Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM khám răng miệng cho học sinh

D.T

Sở Y tế TP.HCM cho rằng, chương trình thí điểm đã mang lại nhiều kết quả. Cụ thể, đối với các học sinh, được khám, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe răng miệng, điều trị dự phòng miễn phí ngay tại trường học, thuận tiện, tiết kiệm thời gian của phụ huynh và học sinh.

Đối với các trường học, bước đầu nhận diện về tình hình sức khỏe răng miệng ở học sinh đang theo học tại trường. Có thể theo dõi và quản lý tình hình sức khỏe răng miệng của trẻ bằng ứng dụng chăm sóc sức khỏe răng miệng học sinh tại địa chỉ quanlyskcd.medinet.org.vn (tài khoản do Sở Y tế TP.HCM cung cấp), từ đó có kế hoạch để tư vấn, theo dõi điều trị các bệnh lý răng miệng.

Đối với địa phương, bước đầu nhận diện về tình hình sức khỏe răng miệng ở học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm trên địa bàn, nhận được sự chuyển giao kỹ thuật từ 2 bệnh viện đầu ngành về răng hàm mặt (Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM). Thành lập được các tổ nha lưu động để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí để triển khai cho năm học tới (bao gồm cả mua sắm danh mục thiết bị y tế, vật tư tiêu hao).

"Đối với TP.HCM, bước đầu nhận diện được tình hình sức khỏe răng miệng ở học sinh tiểu học trên địa bàn. Đây được xem là kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế và ngành giáo dục", Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Ngành y tế và ngành giáo dục TP.HCM cùng các bệnh viện liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe răng miệng ở học sinh tiểu học ở tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Tỷ lệ học sinh từ lớp 1 - 3 tại TP.HCM bị sâu răng rất cao- Ảnh 2.

Tỷ lệ học sinh tiểu học tại TP.HCM bị sâu răng khá cao

D.T

Để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tốt hơn, Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho phép Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM được phép đào tạo thực hiện các kỹ thuật dự phòng sâu răng không xâm lấn cho nhân viên y tế trên địa bàn để có thể đẩy nhanh tiến độ đào tạo nguồn nhân lực cho TP.HCM, để Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM tập trung nguồn lực hỗ trợ các tỉnh phía nam.

Kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho phép TP.HCM chính thức thực hiện mô hình trường - trạm trong chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh tiểu học trong năm học tới. Cho phép nhân viên y tế (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh) đã có chứng chỉ hành nghề đang công tác tại trạm y tế, trung tâm y tế sau khi được đào tạo, tập huấn đã được cấp giấy chứng nhận được thực hiện các kỹ thuật điều trị dự phòng sâu răng không xâm lấn như ngừa sâu răng với thuốc bôi bề mặt, trám bít hố rãnh mà không cần sự giám sát của Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM.

Kiến nghị Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM tiếp tục hỗ trợ Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình đợt 2 tại Q.5 và Q.6 vào tháng 10.2024 và trong những năm tiếp theo. Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hành cho các nhân viên y tế tham gia lớp đào tạo, tập huấn thực hiện các kỹ thuật dự phòng sâu răng không xâm lấn để họ có cơ hội thực hành và tự tin hơn khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Chuyển giao chương trình đào tạo về thực hiện các kỹ thuật dự phòng sâu răng không xâm lấn cho Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.