Tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục ở nhóm đồng giới nam tăng cao

01/12/2024 13:28 GMT+7

Tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục ở đối tượng đặc biệt có xu hướng tăng cao, nhất là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.

Sáng 1.12, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học 'Nhiễm khuẩn lây qua tình dục'.

Trình bày về xu hướng nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, bác sĩ CK.2 Nguyễn Thị Phan Thuý, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết sự gia tăng ca nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục đặt ra áp lực lớn cho hệ thống y tế trong việc điều trị và giáo dục người dân. Tỷ lệ mắc bệnh giang mai ngày càng tăng theo từng năm tại Việt Nam và trên thế giới. Nhiễm khuẩn lây qua tình dục có thể gây vô sinh, biến chứng thai kỳ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh HIV…

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây qua đường tình dục khi quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng cao như giang mai, lậu. Đối với những người bệnh không nhiễm HIV thì tỷ lệ này vẫn tăng cao.

Tại chương trình, PGS-TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Liên chi Hội Da liễu TP.HCM đã nêu ra những thách thức hiện nay trong kiểm soát nhiễm khuẩn lây qua tình dục.

Tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục ở nhóm đồng giới nam tăng cao- Ảnh 1.

PGS-TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Liên chi Hội Da liễu TP.HCM phát biểu tại chương trình

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Theo PGS, sự phổ biến của ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội khiến việc tìm bạn tình và quan hệ tình dục với người xa lạ ngày càng dễ dàng. Việc sử dụng chất kích thích cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến khả năng tình dục không an toàn. Đặc biệt, PGS nhấn mạnh, tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục ở đối tượng đặc biệt có xu hướng tăng cao, nhất là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.

Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng, xấu hổ, sợ bị kỳ thị khi đến khám bệnh tại các bệnh viện khiến bệnh nhân mắc bệnh lây qua đường tình dục tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh không an toàn. Điều này khiến người bệnh khó tiếp cận dịch vụ y tế và khiến tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng vọt.

Bác sĩ CK.2 Võ Thị Đoan Phượng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM lưu ý những thương tổn không điển hình ở bệnh giang mai như xuất hiện vảy nến, nổi sẩn hồng ban, mảnh hồng ban kích thước nhỏ, mụn mủ… Những dấu hiệu này thường xuất hiện với mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng nên dễ chẩn đoán nhầm lẫn với những căn bệnh khác.

"Không chỉ bác sĩ ở các phòng khám bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ ở phòng khám da liễu nên nghĩ đến bệnh giang mai khi có biểu hiện không điển hình của thương tổn da niêm bệnh lý da khác", bác sĩ nói.

Bác sĩ cũng lưu ý thêm, bệnh giang mai là một thách thức lớn đối với các bác sĩ trong chẩn đoán. Nhân viên y tế cần khéo léo trong tiếp cận tư vấn sàng lọc, nắm vững các triệu chứng điển hình và không điển hình của bệnh. Cần có sự phối hợp giữa nhân viên y tế, cơ quan tổ chức y tế và cộng đồng để có những chiến lược phòng chống bệnh hiệu quả.

Phát biểu tại chương trình, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kết luận cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lây qua đường tình dục.

Theo TS-BS, bệnh lây qua đường tình dục là "tảng băng chìm" rất lớn, Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn lây qua tình dục tại TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030.

Theo bác sĩ CK.2 Bùi Mạnh Hà, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số ca khám bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà, lậu… tại Bệnh viện da liễu TP.HCM có xu hướng tăng cao qua từng năm.

Theo đó, tỷ lệ mắc bệnh giang mai ở nam giới cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Trong đó, bệnh nhân có quan hệ đồng giới nam có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Đáng chú ý, tỷ lệ đề kháng với kháng sinh ngày càng tăng. Bệnh viện cũng ghi nhận các thể bệnh giang mai hiếm như giang mai mắt, giang mai tai, giang mai bẩm sinh, giang mai ác tính…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.