Tỷ lệ phá thai ở mức cao, mất cân bằng giới tính

Duy Tính
Duy Tính
18/12/2020 19:03 GMT+7

Phá thai ở trẻ vị thành niên sẽ gây tổn hại về thể chất và tinh thần, đó là chưa kể biến chứng khi phá thai không an toàn.

Ngày 18.12, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tổ chức hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và 59 năm Ngày dân số Việt Nam (26.12) với chủ đề: Nâng cao chất lượng dân số đề góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Một trong nhiều vấn đề mà các địa biểu tại hội nghị đề cập đến đó là vấn nạn phá thai
Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM đang đối diện nhiều thách thức, như mức sinh người TP đang giảm, sự chênh lệch giới tính nguy cơ tăng, tỷ lệ nạo phá thai đang mức cao, những nỗ lực vừa qua chưa thực sự đúng mức.
Theo bác sĩ Hưng, vấn đề nạo phá thai là vấn đề của toàn xã hội chứ không thuần túy của ngành y tế, ngành y tế chỉ giải quyết hậu quả. Do đó, cần phải có tuyên truyền, truyền thông, giáo dục giới tính, lối sống cho bạn trẻ; cần tăng cường hơn nữa phối hợp các ban ngành, phối hợp giáo dục với các trường đại học; không chỉ thực hiện ở TP.HCM mà còn kết hợp với các tỉnh thành khác. Ở điều kiện thích hợp thì phổ biến các biện pháp tránh thai.
“Vấn đề hiện nay không chỉ là mang thai ngoài ý muốn mà xu hướng của chuyện lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới. Nên vấn đề tình dục an toàn là rất cần thiết”, bác sĩ Hưng nói.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam nữ thành niên, nếu không có quan tâm đúng mức thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề như mang thai ngoài ý muốn, sinh đẻ sớm, phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên… Nếu như một trẻ vị thành niên đang ở tuổi đi học mà trải qua lần phá thai thì sẽ tổn hại về thể chất và tinh thần, đó là chưa kể biến chứng khi phá thai không an toàn, nguy cơ băng huyết nhiễm trùng…
Ngoài đề cập đến vấn đề phá thai, bà Ngọc Lan cho biết thêm, đến nay toàn quốc đã duy trì được mức sinh thay thế, nhưng đã mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra ở 57/63 tỉnh, thành. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng nếu không quyết liệt chung tay giải quyết thì tương lai đến 2050 sẽ có khoảng 2 - 4 triệu nam thanh niên Việt Nam không có cơ hội kết hôn với phụ nữ ở Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến những điều bất ổn về mặt xã hội như buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái, bạo lực gia đình, phụ nữ phải kết hôn nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.