Ụ mối của Hạ

27/01/2017 19:00 GMT+7

Đó là căn nhà gốm được xây bằng tâm huyết của nghệ nhân gốm Lê Đức Hạ. Ông hay gọi nó là “Ụ mối của Hạ”, bởi với ông, đó là cái tổ mối và ông là một chú mối cần mẫn với công việc hằng ngày của mình - làm ra sản phẩm gốm.

Ra đời từ ý tưởng của nghệ nhân Lê Đức Hạ và người cháu có công ty kiến trúc, ngôi nhà bằng gạch gốm nung bên sông Thu Bồn (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã được tạp chí kiến trúc danh tiếng thế giới ArchDaily giới thiệu cuối tháng 7.2016. “Tôi mê gốm, mê cái màu đỏ của gốm nung, nên mong muốn xây dựng một điểm đến cho những người yêu gốm. Và ụ mối ra đời từ tâm huyết đó, đúng với những gì tôi suy nghĩ. Ụ mối bên dòng sông bình yên...”, nghệ nhân Lê Đức Hạ tâm sự. Dẫn mọi người đi một vòng quanh ụ mối, nghệ nhân Hạ lý giải: Ụ mối được xây dựng ghép nối từ những viên gạch nung, nhưng không xếp kín mà để hở những lỗ thông nhỏ, nhìn xa thấy giống như một ổ mối thật. Từ những lỗ hổng này, nắng gió sẽ vào nhà theo nhiều lối, giúp ụ mối trở nên gần gũi với thiên nhiên. Bên trong có 3 tầng, được xếp đặt bằng những khung gỗ bao quanh. Tầng 1 là nơi nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm nung mỹ nghệ thuần chất Quảng. Tầng 2 và 3 để trưng bày sản phẩm, trong đó có những sản phẩm gốm sứ mà cha của ông là người làm ra, và cũng chính là người đầu tiên làm ra những sản phẩm gốm sứ ở đất Quảng này.
Từ nhỏ, Lê Đức Hạ vốn đã mê gốm. Năm 1990, ông bắt đầu xây dựng lò gốm bên sông Thu Bồn để làm nghề, và cũng va vấp không ít thất bại. Nhưng ông không từ bỏ, say mê sáng tạo để sản phẩm được thị trường chấp nhận. Thành công đã đến với ông sau đó.
Nhưng bản thân ông vẫn có nhiều trăn trở. “Ở miền Trung bà con người Chăm đã sử dụng gạch gốm nung để làm nên những tòa tháp vững chãi, những kiến trúc vô cùng kỳ vĩ, nghĩa là giá trị của sản phẩm gốm nung miền Trung thực sự rất cao, nhưng chưa có sự thừa nhận đúng giá trị của nó”, nghệ nhân Hạ tâm sự.
Những trăn trở của ông được con gái, con trai ông quyết sẽ tiếp sức cùng ông. “Sẽ có rất nhiều điều ở phía trước. Tất cả đều vì gốm, vì tình yêu với gốm nung của tui, đến hơi thở cuối cùng!”, ông Hạ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.