Nguồn vốn tái canh cà phê được bố trí tới 3.000 tỉ đồng, nhưng dư nợ mới đạt hơn 40 tỉ đồng, trong khi vườn cây già cỗi cho năng suất thấp, khiến cả ngân hàng và ngành nông nghiệp ở Đắk Lắk đều lo.
Vườn giống của Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông lâm nghiệp Ea Kmát chuyên cung cấp giống cà phê tái canh ở Tây nguyên - Ảnh: Ngọc Quyền |
Nhiều rào cản
Theo thống kê của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk), đến cuối tháng 10.2015 chi nhánh có 21 khách hàng (6 doanh nghiệp, 15 hộ gia đình) vay với dư nợ hơn 40 tỉ đồng trong chương trình tín dụng tái canh cà phê. Tổng diện tích cà phê tái canh từ nguồn vốn này là 532,5 ha, trong đó các doanh nghiệp 507 ha; hộ gia đình, cá nhân 25,5 ha.
|
Về phía nông hộ có diện tích cà phê già cỗi khá lớn nhưng vì sao vẫn vay vốn tái canh quá ít? Theo ông Phong có nhiều lý do, trong đó quy trình tái canh để vay vốn yêu cầu phải có 2 năm cải tạo đất, 3 năm kiến thiết khiến thu nhập bị gián đoạn ít nhất 5 năm, ảnh hưởng đến đời sống của nông hộ. Vì vậy, nhiều nông hộ chưa mạnh dạn tái canh đại trà, hoặc chỉ chọn cách tái canh “cuốn chiếu” không cần vay vốn, mỗi năm tái canh một ít, lần lượt từ những cây già, xấu nhất trong vườn cà phê. Ông Phong cũng đề cập những trở ngại khác: “Nhiều diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch tái canh nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất khiến nông hộ không thể sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Mặt khác, hầu hết hộ dân có nhu cầu vay tái canh cà phê đều đang có dư nợ ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để vay gói tái canh”...
Thủ tục cần cởi mở hơn
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, diện tích cà phê tái canh của tỉnh này từ năm 2011 - 2015 đạt hơn 14.000 ha; điều này có nghĩa phần lớn các vườn cà phê không thực hiện tái canh từ vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhìn nhận chương trình cho vay tín dụng thực hiện tái canh cà phê chưa thực sự hấp dẫn nông dân do hạn mức vay thấp, giải ngân theo tiến độ triển khai (mức vay tối đa 150 triệu đồng/ha, giải ngân 2 hoặc 3 lần), lãi suất vay còn cao (7%/năm)… Ông Thích băn khoăn: “Vay tái canh chưa thu hút trong khi giá hồ tiêu tăng cao, nhiều nông dân chuyển hướng sang phá bỏ cà phê để trồng tiêu hoặc ưu tiên trồng xen cây tiêu trong vườn cà phê già cỗi hơn là thực hiện tái canh”.
Một hộ ở H.Cư Mgar (Đắk Lắk) tái canh cà phê theo kiểu “cuốn chiếu”, cưa từng gốc già cỗi để ghép cải tạo
|
Theo ông Thích, để thúc đẩy chương trình tín dụng tái canh đang có nhiều ách tắc, giữa ngân hàng và người trồng cà phê cần có “tiếng nói chung”. “Ngân hàng cần bổ sung, điều chỉnh phương thức cho vay linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của người trồng cà phê, nhất là xem xét giải quyết đồng thời vừa cho vay tái canh, vừa cho vay sinh kế để người dân ổn định cuộc sống trong thời gian thực hiện tái canh”, ông Thích đề nghị.
Tiếp cận tận nông hộ
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay tái canh cà phê ở các tỉnh Tây nguyên. Theo đó, việc phê duyệt danh sách tổ chức, cá nhân vay do UBND cấp xã xác nhận và diện tích cà phê nằm trong kế hoạch tái canh của tỉnh. Ông Huỳnh Quốc Thích cho rằng chính sách thuận lợi này cần được ngân hàng nhanh chóng phổ biến đến người trồng cà phê có nhu cầu vay vốn tái canh.
Theo ông Vũ Thanh Phong, từ tháng 11 Agribank Đắk Lắk triển khai kế hoạch quảng bá rộng rãi đến nông dân về chương trình tín dụng tái canh cà phê, phổ biến tờ rơi tuyên truyền đến tận thôn, buôn, điểm đông dân cư và trên chương trình phát thanh, truyền thanh của xã, phường; đồng thời đôn đốc ngân hàng cơ sở phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh thực hiện cho vay theo chương trình này.
|
Bình luận (0)