U.22 Việt Nam đã đứt chuỗi 9 trận sạch lưới liên tục ở SEA Games với 1 bàn thua trong cuộc so tài với U.22 Singapore. Đó là tình huống Tiến Long lúng túng đốt lưới nhà sau đường căng ngang của đối thủ. Trận này U.22 Việt Nam thắng 3-1.
Pha phản lưới của Tiến Long thực chất là hậu quả của một hệ thống phòng ngự lỏng lẻo, đang gặp rất nhiều vấn đề của U.22 Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier.
Sau 2 trận đầu tiên, HLV Troussier đã sử dụng 4 trung vệ và 3 hậu vệ cánh, tức là 7 cầu thủ cho 5 vị trí ở hàng phòng ngự. Trong bối cảnh chiến lược gia người Pháp liên tục xoay tua con người ở tuyến trên, việc sử dụng từng ấy con người ở tuyến hậu vệ cho thấy ông Troussier đã tìm được hàng phòng ngự ưng ý và muốn duy trì "tấm khiên" ấy cho U.22 Việt Nam.
Tuy nhiên, dù hàng thủ rất giàu kinh nghiệm trên lý thuyết khi là tập hợp của những cầu thủ từng vô địch SEA Games 31 và đá vòng chung kết U.23 châu Á 2022 (Văn Chuẩn, Tiến Long, Tuấn Tài, Duy Cương), nhưng cách phòng ngự của các học trò vẫn khiến ban huấn luyện U.22 Việt Nam bất an.
Cầu thủ U.22 Việt Nam chơi bóng chuyền dưới bể bơi xả stress trước trận Malaysia
Ở trận gặp U.22 Lào, các hậu vệ U.22 Việt Nam liên tục thất thế trước những pha đấu tay đôi, lỏng lẻo trong kèm người và bẫy việt vị. Có những tình huống U.22 Lào xuống biên tương đối đơn giản rồi tạt vào, song Tuấn Tài cùng đồng đội vẫn rất lúng túng trong việc phối hợp ngăn chặn. Đỉnh điểm là 15 phút cuối trận gặp U.22 Lào, cầu môn Văn Chuẩn bị đe dọa tới 3 lần bởi những quả tạt từ hai biên. Nên nhớ, U.22 Lào không giỏi đánh biên, nhưng vẫn khiến hàng thủ U.22 Việt Nam rối loạn.
Đến trận gặp U.22 Singapore, U.22 Việt Nam kiểm soát bóng tốt hơn, dẫn đến áp lực cho hàng thủ giảm đi. Nhưng mỗi khi đối mặt với hiểm nguy, các hậu vệ U.22 Việt Nam lại thường không xử lý tốt tình huống. Trước khi Tiến Long phản lưới, các học trò của HLV Troussier liên tục để lọt đối thủ thoát xuống đáy vòng cấm. Các tiền đạo U.22 Singapore (hay trước đó là U.22 Lào) tương đối non kém trong những pha xử lý cuối. Song, nếu đặt từng ấy cơ hội vào chân của các cầu thủ tấn công giỏi hơn bên phía U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan, thủ môn Văn Chuẩn đã có thể vào lưới nhặt bóng.
Các HLV và chuyên gia phân tích thường chia phần sân tấn công của một đội bóng thành 5 phần theo chiều dọc, lần lượt bao gồm biên trái, hành lang trong trái, trung lộ, hành lang trong phải và biên phải (theo thứ tự từ trái sang phải). Khu vực hành lang trong (tức là khoảng không gian nằm giữa biên và trung lộ) bên cạnh vùng không gian nằm ngay trước vòng cấm, là khu vực các hậu vệ phải bảo vệ triệt để. Bởi khi tiếp cận được khu vực này, cầu thủ tấn công đối thủ có thể tạo ra những cơ hội với xác suất ăn bàn cao.
U.22 Việt Nam thắng dễ Singapore: Nỗi bất an trước 2 ‘ngọn núi’ lớn
Sơ hở trong hệ thống phòng ngự U.22 Việt Nam nằm ở chỗ, các học trò của HLV Troussier để đối thủ tiếp cận khu vực này rất thường xuyên. Trong cả trận gặp U.22 Lào lẫn U.22 Singapore, khu vực hành lang trong của U.22 Việt Nam bị khoan thủng, bởi việc phân chia nhiệm vụ phòng ngự giữa các trung vệ lệch cánh và hậu vệ cánh là không rõ ràng, ngoài ra tiền đạo cánh chưa tích cực lùi về.
Ở trận gặp U.22 Malaysia, U.22 Việt Nam phải nỗ lực hơn. Đối thủ của thầy trò HLV Troussier đã ghi 5 bàn vào lưới U.22 Lào ở trận ra quân, 4 trong số đó đến từ đánh biên. U.22 Malaysia có những mũi công rất giỏi tấn công cánh như Najmuddin Akmal, Haqimi Azim Rosli, bên cạnh chân sút nhập tịch Fergus Tierney cao tới 1m85. U.22 Malaysia sẵn sàng bỏ qua trung lộ để tập trung tấn công biên, tận dụng ưu thế tốc độ, kỹ thuật của các tiền đạo nhằm chiếm ưu thế trong các pha phản công.
Với đội hình dâng cao, thường xuyên phải co giãn và hoán đổi để phục vụ thế trận kiểm soát bóng, việc giữ kỷ luật phòng ngự càng khó khăn hơn với U.22 Việt Nam. Tuy nhiên, HLV Troussier có 4 ngày nghỉ để nghiên cứu đối thủ và "vá" lại lỗ hổng cho học trò. Một tấm khiên vững chãi trong trận đấu lúc 19 giờ ngày 8.5 tới là điểm tựa để U.22 Việt Nam tìm kiếm chiến thắng thứ ba.
Bình luận (0)