U.22 Việt Nam đã hoàn thành một nửa nhiệm vụ ở vòng bảng SEA Games 32, đó là thắng ở những trận đấu buộc phải thắng (thậm chí thắng cách biệt lớn) trước những đối thủ dưới cơ như U.22 Lào, U.22 Singapore. Việc tích lũy đủ 6 điểm tuyệt đối giúp thầy trò ông Philippe Troussier có bàn đạp tâm lý tốt cho nửa chặng đường khó khăn còn lại.
Cầu thủ U.22 Việt Nam chơi bóng chuyền dưới bể bơi xả stress trước trận Malaysia
Sau quãng nghỉ 4 ngày, U.22 Việt Nam sẽ trở lại thi đấu với hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp vé vào bán kết. U.22 Malaysia đã phô diễn sức mạnh với chiến thắng 5-1 trước U.22 Lào, trong khi U.22 Thái Lan hạ U.22 Singapore 3-1 dù chưa bung hết sức.
Ở SEA Games 31, U.22 Việt Nam đã thắng cả U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan với cùng tỷ số 1-0, lần lượt ở bán kết và chung kết. Tuy nhiên, bối cảnh chênh lệch giữa U.22 Việt Nam và các đối thủ không còn lớn như 1 năm trước. Tại SEA Games 31, trong khi U.22 Việt Nam có 3 cầu thủ quá tuổi trong đội hình, đều là trụ cột của đội tuyển quốc gia, U.22 Malaysia lại thi đấu bằng đội hình trẻ thuần túy, còn U.22 Thái Lan gọi 3 cầu thủ không thuộc diện tốt nhất của nền bóng đá.
U.22 Việt Nam thắng dễ Singapore: Nỗi bất an trước 2 ‘ngọn núi’ lớn
Tuy nhiên ở SEA Games 32, việc không được gọi cầu thủ hơn tuổi đã đưa các đội trở về mặt bằng tương đối sát nhau về trình độ. Với bóng đá trẻ, sự ổn định là điều tương đối xa xỉ. Hôm qua (4.5), U.22 Timor Leste gây sốc khi đè bẹp U.22 Philippines 3 bàn không gỡ, dù trước đó đội Timor Leste đã thua 0-4 trước U.22 Campuchia ở ngày ra quân. Chủ nhà U.22 Campuchia cũng bất ổn, khi vừa thắng 4-0 ở ngày ra quân, sau đó đã bị U.22 Philippines cầm hòa. Ở bảng B, U.22 Lào cũng chơi tốt trước U.22 Malaysia trong khoảng 70 phút, trước khi sụp đổ với tỷ số 1-5, bởi những sai lầm liên tục trong khâu phòng ngự.
Điều mấu chốt tạo nên thành công cho các đội tuyển trẻ nằm ở nền tảng tâm lý. U.22 Việt Nam đã vô địch 2 kỳ SEA Games liên tục trước đây nhờ tâm lý vững chãi và bản lĩnh "vàng mười". Đó cũng là chìa khóa giúp đội lên ngôi, dù vấp phải nhiều trận đấu khó khăn, hay có những thời điểm chơi không tốt. U.22 Thái Lan cũng từng thống trị SEA Games bằng nền móng tâm lý ổn định. Có thể chơi hay hoặc dở, nhưng luôn đủ vững vàng để đá theo cách mình muốn.
HLV Troussier hiểu rằng với triết lý bóng đá mới mẻ, khác xa khuôn mẫu phòng ngự phản công rình rập mà HLV Park Hang-seo đã kỳ công xây dựng trước đây, U.22 Việt Nam hiển nhiên cần thời gian thích nghi. Mọi quá trình chuyển dịch đều đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì, thậm chí đau đớn trước những thất bại. "Phù thủy trắng" cho phép học trò được mắc sai lầm, nhưng ông cũng đưa ra thông điệp rõ ràng: U.22 Việt Nam không được phép sợ hãi, và phải tin tưởng vào lối chơi hiện tại.
"Tôi muốn cầu thủ không sợ hãi, mà phải chủ động hơn trong việc kiểm soát trái bóng và chủ động tham gia vào trận đấu. Tất nhiên, có những lúc cầu thủ đưa ra quyết định nhanh. Họ chuyền sớm hoặc muộn quá. Họ chưa quen và chưa tự tin về lối chơi mới. Rõ ràng U.22 Việt Nam cần cải thiện từng bước một, không thể đòi hỏi vừa thực hiện lối chơi mới mà trơn tru ngay được. Điều tôi cần là cầu thủ nhận ra năng lực bản thân hoàn toàn có thể chơi được lối chơi này", ông Troussier nêu quan điểm.
Sự can đảm là yếu tố quan trọng để kiểm soát bóng. Nếu trước đây, các cầu thủ đã quen với lối đá nhún nhường, chơi chậm rãi, chắc chắn và chờ đợi thời cơ phản đòn, thì triết lý kiểm soát và tấn công chủ động do HLV Troussier áp dụng đòi hỏi mức độ dũng cảm cao hơn. Kiểm soát bóng đồng nghĩa có nguy cơ mất bóng, dâng đội hình đồng nghĩa chấp nhận nguy cơ bị phản công. Gặp những đối thủ nhanh, khỏe và kỹ thuật như U.22 Malaysia và U.22 Thái Lan, U.22 Việt Nam càng khó kiểm soát trận đấu hơn nữa. Phải mạnh dạn cầm bóng thế nào, khi đối thủ ập vào nhanh, liên tục gây áp lực, thậm chí đá tiểu xảo để làm rối loạn mạch chơi bóng của cầu thủ?
Đó là câu hỏi mà ông Troussier muốn nhìn thấy đáp án từ học trò. Để triển khai lối chơi kiểm soát bóng, U.22 Việt Nam cần dũng cảm và vững vàng, bên cạnh nền tảng kỹ thuật tốt (là điều đương nhiên nếu muốn cầm bóng hiệu quả). HLV người Pháp đã dành ra 2 tháng để rèn kỹ thuật cho học trò. Nhưng yếu tố tâm lý, có lẽ ông phải để cầu thủ tự ngẫm ra và đào luyện qua từng trận đấu. Sự can đảm sẽ đến từ niềm tin của cầu thủ vào triết lý và con đường HLV Troussier đã vạch ra. Nó cũng đến từ khát vọng chiến thắng để dập tắt chỉ trích và hoài nghi.
Dưới áp lực tột cùng, U.22 Việt Nam sẽ bộc lộ những phẩm chất ưu việt nhất, nếu cả đội đủ bản lĩnh và niềm tin để cùng nhìn về một hướng.
Bình luận (0)