UAE - nơi hạ cánh của những cựu lãnh đạo sa cơ

22/08/2021 14:03 GMT+7

Các thành phố Dubai, Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành nơi “hạ cánh” của nhiều cựu lãnh đạo, chính trị gia thất thế. Người mới nhất gia nhập danh sách là cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Khi lực lượng Taliban tiến về thủ đô Kabul cuối tuần trước, Tống thống Afghanistan Ashraf Ghani đã vội rời khỏi thành phố. Một số nguồn loan tin ông Ghani đã mang theo nhiều vali tiền mặt nhưng ông đã phủ nhận thông tin này. UAE đã chấp nhận cho ông Ghani nương náu với lý do nhân đạo.
Trước ông Ghani, các tiểu vương quốc thuộc UAE đã chấp nhận nhiều cựu lãnh đạo sa cơ thất thế, đặc biệt là những người được cho là giàu có hoặc còn hữu dụng trong những ván cờ ngoại giao, chính trị.

Tổng thống Afghanistan nói sẽ bị treo cổ nếu ở lại Kabul

Một trong số đó là ông Pervez Musharraf, tổng thống Pakistan giai đoạn 2001-2008. Ông Musharraf (78 tuổi) đang đối diện với các cáo buộc phản quốc và từng bị đưa vào danh sách cấm bay trong nhiều năm. Năm 2016, ông được cho phép ra nước ngoài chữa bệnh và ngay lập tức bay đến Dubai.

Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf tại Dubai

Ảnh chụp màn hình NY Post

Theo tờ New York Post, ông Musharraf đang sống sung túc trong căn hộ 1,6 triệu USD thuộc một tòa nhà cao tầng ở Dubai, có góc nhìn ra tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa. Cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto cũng từng sống nhiều năm ở UAE trước khi bị ám sát tại Pakistan vào năm 2007.
Nhân vật nổi tiếng khác đang sống tại Dubai là cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Shinawatra là gia tộc có nhiều ảnh hưởng trên thương trường lẫn trên chính trường tại Thái Lan. Ông Thaksin làm thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2006 bị mất chính quyền về tay quân đội. Ông bị cáo buộc các tội tham nhũng và chạy sang London (Anh) trước khi sang ở trong ngôi biệt thự tại Dubai. Nơi ở của ông Thaksin được bao quanh bởi một vườn hoa lan Thái, có nhiều người hầu. Ông Thaksin là bầu bạn của ông Musharraf và cựu tổng thống Pakistan từng đến nhà ông Thaksin để ăn uống cùng.

Ông Thaksin Shinawatra trong biệt phủ ở Dubai

Reuters

Em gái ông Thaksin, bà Yingluck làm thủ tướng Thái Lan từ 2011-2014 cũng mất chức sau cuộc đảo chính năm 2014 vì bê bối liên quan chương trình trợ giá gạo. Năm 2017, bà sang Dubai ngay trước khi bị kết án 5 năm tù. Không rõ nơi ở hiện tại của bà Yingluck nhưng có thông tin cho rằng bà sống ở London và có quốc tịch Serbia.
Một nhân vật khác đang sống tại UAE là cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos. Ông buộc phải thoái vị vào năm 2014 sau vụ bê bối đi săn cùng tình nhân ở Botswana trong khi Tây Ban Nha đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos tiếp Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed tại biệt phủ

Ảnh chụp màn hình El Pais

Hồi tháng 8.2020, ông Carlos rời khỏi Tây Ban Nha giữa lúc số tài sản của ông bị nghi ngờ. Sau đó, ông xuất hiện tại một khách sạn hạng sang với giá 15.000 USD một đêm ở Abu Dhabi. Ông Carlos hiện sống trong một ngôi biệt thự nhiều triệu USD rộng hơn 1.000 m2, có 6 phòng ngủ, hồ bơi, có bãi biển riêng và thường đón tiếp Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed.
Cựu lãnh đạo an ninh của phong trào Fatah thuộc Palestine, ông Mohammed Dahlan cũng từng chạy sang Abu Dhabi để tránh bị kết án tù vào năm 2011 vì cáo buộc ám sát cố lãnh đạo Yasser Arafat. Ông Dahlan được cho là làm cố vấn cho Thái tử bin Zayed.

Ông Mohammed Dahman trong biệt thự tại Abu Dhabi

AFP

Ông Dahlan sống trong một ngôi biệt thự ở Abu Dhabi và đã sở hữu quốc tịch Serbia vào năm 2015. Ông từng cho thuê một cung điện 2 triệu USD tại Serbia và sau đó được thân tín của ông mua lại.

Ông Ahmed, con trai cố Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh

AFP

Con trai của cố Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, ông Ahmed cũng được cho là đang sống tại Abu Dhabi. Ông Ahmed làm đại sứ Yemen tại UAE nhưng đến năm 2015 bị Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi bãi nhiệm sau khi nội chiến Yemen bùng phát.
Do ủng hộ lực lượng Houthi, ông Ahmed bị giam lỏng tại nhà trong vài năm. Đến khi người cha bị ám sát vào năm 2017, ông Ahmed tuyên bố thù hận và tìm cách chống lại Houthi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.