UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo sau phản ánh của Thanh Niên về 'cò' bảo hiểm

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/10/2022 12:19 GMT+7

Sau bài phản ánh của Báo Thanh Niên về 'cò' bảo hiểm , Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi nếu có.

Xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Liên quan bài phản ánh “Cò” bảo hiểm ăn chặn tiền của người thất nghiệp trên Báo Thanh Niên, ngày 6.10, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức giao Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các địa điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế.

Đồng thời phối hợp Công an TP.HCM xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động để trục lợi nếu có.

Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Q.6 dán thông báo để người lao động cảnh giác

LÊ TRỌNG

Trước đó, ngày 12.9, Thanh Niên đăng bài “Cò” bảo hiểm ăn chặn tiền của người thất nghiệp, phản ánh tình trạng “cò mồi” hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bên ngoài các điểm tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, cụ thể là tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (P.17, Q.Bình Thạnh) và Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Q.6 (trụ sở ở P.6, Q.6).

Sau đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở và Phòng Việc làm - An toàn lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM lập tổ công tác để kiểm tra thông tin báo phản ánh.

Sau buổi kiểm tra thực tế chiều 13.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có buổi làm việc với Ban giám đốc của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, yêu cầu tập trung chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của viên chức, người lao động tại đơn vị.

Đồng thời, kiểm tra tình hình hoạt động của các điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, khẩn trương tìm mặt bằng và đề xuất bố trí các điểm tiếp nhận đảm bảo điều kiện hoạt động, qua đó để người lao động thuận lợi liên hệ, giao dịch.

Rà soát quy trình tư vấn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng yêu cầu Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM rà soát quy trình tư vấn, tiếp nhận hồ sơ; phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của viên chức, người lao động; xử lý nghiêm trường hợp không làm đúng chức trách, nhiệm vụ gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của đơn vị.

Trong văn bản của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi Báo Thanh Niên ngày 26.9, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm gửi lời trân trọng cảm ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh về tình trạng "cò mồi" lợi dụng sự thiếu thông tin của người lao động để trục lợi cá nhân. Qua đó, giúp người dân biết và tránh khi đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM.

8 tháng, hơn 105.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trên địa bàn TP.HCM có 7 điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm và 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp đặt tại H.Củ Chi, Q.4, Q.6, Q.12, Q.Tân Bình, TP.Thủ Đức. Đồng thời, theo thống kê, từ ngày 4.1 - 4.9.2022, TP.HCM có 109.088 người làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và có 105.277 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.