Úc: Bé gái 2 tuổi tử vong do nhiễm virus từ chim bồ câu

Thiên Lan
Thiên Lan
08/12/2023 18:57 GMT+7

Một bé gái 2 tuổi đã tử vong sau khi nhiễm virus hiếm, thường có ở chim bồ câu. Cô bé là người thứ 5 trên thế giới tử vong vì căn bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết bé gái 2 tuổi giấu tên đã được đưa đến Bệnh viện Prince of Wales ở Randwick, New South Wales (Úc), sau 3 tuần buồn nôn, nôn mửa và có các triệu chứng giống cảm lạnh, theo tờ New York Post.

Chỉ 6 tháng trước khi xuất hiện các triệu chứng, bé đã xong đợt hóa trị thứ 2 để kiểm soát bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính - loại ung thư phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng đến một số tế bào trong hệ thống miễn dịch, được gọi là tế bào B và tế bào T.

Úc: Bé 2 tuổi tử vong do nhiễm virus từ chim bồ câu - Ảnh 1.

Một bé gái ở Úc tử vong do nhiễm virus từ chim bồ câu

Minh họa: Shutterstock

Tình trạng của bé tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và 4 ngày sau, bé bắt đầu bị động kinh.

Các bác sĩ đã thực hiện nhiều xét nghiệm, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI), đánh giá khả năng tự miễn dịch, đánh giá các bất thường về di truyền và xét nghiệm PCR để kiểm tra mầm bệnh vi khuẩn hoặc virus… tất cả đều cho thấy không có điều gì đáng lo ngại.

Các bác sĩ đã cho bé dùng thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và thuốc chống động kinh, giảm bớt sự khó chịu, nhưng não bé tiếp tục sưng lên.

Ảnh chụp MRI não của bé lúc 16 ngày sau khi nhập viện cho thấy bé bị nhiễm paramyxovirus loại 1 ở gia cầm. Não bị tổn thương và hoại tử từng lớp. Chỉ 27 ngày sau khi nhập viện, bé tử vong.

Sau khi bé tử vong, các xét nghiệm y tế cho thấy bé mang chủng virus paramyxovirus-1 APMV-1 nguy hiểm ở gia cầm, gây ra bệnh Newcastle.

Bệnh Newcastle là một bệnh do virus rất dễ lây lan và gây tử vong, thường ảnh hưởng đến chim và gia cầm - điển hình là chim bồ câu - và được đặt tên theo thành phố nơi bệnh nhân được xác định lần đầu tiên vào năm 1926.

Các chuyên gia y tế kết luận rằng bệnh nhân chết vì sưng não do nhiễm trùng, bắt đầu từ mũi hoặc miệng do có thể tiếp xúc với phân hoặc chất dịch của chim bồ câu nhiễm bệnh, theo New York Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.