Úc sẽ bỏ cơ chế ưu tiên xét visa du học?

Ngọc Long
Ngọc Long
22/08/2024 07:05 GMT+7

Thông tin từ Bộ trưởng Giáo dục Úc, nước này dự kiến hủy quy định ưu tiên xử lý đơn xin visa du học dựa vào mức độ rủi ro của trường mà sinh viên quốc tế sẽ theo học, thay vào đó là chính sách giới hạn tuyển sinh.

Úc sẽ bỏ cơ chế ưu tiên xét visa du học?- Ảnh 1.

Một phần trong chỉ thị hiện hành của Bộ Nội vụ Úc, trong đó nêu rõ ưu tiên xử lý visa du học với một số đối tượng, trong đó có du học sinh ứng tuyển vào các trường ĐH có độ rủi ro thấp (Evidence Level 1)

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hưởng lợi, trường bị ảnh hưởng nặng nề

Chỉ thị Bộ 107 (Ministerial Direction 107) do cựu Bộ trưởng Nội vụ Úc Clare O'Neil ký hồi tháng 12.2023 yêu cầu bộ này xử lý đơn xin visa du học theo thứ tự ưu tiên với tiêu chí hàng đầu là mức độ rủi ro của nhà cung cấp giáo dục. Đồng nghĩa, du học sinh nộp đơn vào trường ĐH nào có độ rủi ro thấp thì sẽ được xét duyệt visa du học nhanh hơn. Song, chính sách này dự kiến bị thay thế trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare.

Cụ thể, chuyên trang giáo dục quốc tế The PIE News thông tin, ông Jason Clare trong một sự kiện tại Úc đã thừa nhận rằng một số trường ĐH Úc bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi áp dụng Chỉ thị Bộ 107, như gặp tình trạng bị xử lý visa du học chậm hơn và tỷ lệ từ chối tăng cao. Vì thế, "tư lệnh" ngành giáo dục Úc hứa với các bên rằng sẽ sớm công bố nội dung liên quan đến chính sách giới hạn tuyển sinh, được cho là sẽ thay thế chỉ thị trên.

"Nhiều trường ĐH yêu cầu tôi phải hành động để đưa ra các thỏa thuận bền vững hơn, và tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết cho các trường trong tuần tới", Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare thông tin, cho biết thêm một số trường đang hưởng lợi từ Chỉ thị Bộ 107 trong khi số khác bị tác động tiêu cực. Ông Jason Clare cũng nhấn mạnh những cải cách tương tự đang được thực hiện với bậc giáo dục phổ thông và mầm non tại Úc.

Trong cuộc phỏng vấn diễn ra sau đó với đại diện một tờ báo địa phương, ông Clare cho biết chỉ thị này đang gây "tắc nghẽn" và việc thay thế nó bằng chính sách giới hạn tuyển sinh sẽ giúp hệ thống vận hành tốt hơn. Trước đó, ông Clare đã bác bỏ các thông tin cho rằng chính phủ sẽ giới hạn sinh viên quốc tế ở mức 40% tổng số sinh viên, khẳng định vẫn chưa chốt được mức cụ thể.

Hiệp hội các trường ĐH ủng hộ bãi bỏ chỉ thị

Ngay sau khi có thông tin xem xét hủy Chỉ thị Bộ 107, Universities Australia, tổ chức đại diện cho các trường ĐH Úc, đã đăng tải thông cáo kêu gọi chính phủ liên bang bãi bỏ chỉ thị này do "những tác động đáng kể" mà nó đã gây ra cho lĩnh vực giáo dục ĐH. "Chỉ thị Bộ 107 đã cản trở nỗ lực đa dạng hóa du học sinh và gây ra khó khăn tài chính lớn cho các trường, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn và ngoại ô", Giám đốc điều hành Universities Australia Luke Sheehy nhận định.

Úc sẽ bỏ cơ chế ưu tiên xét visa du học?- Ảnh 2.

Học sinh Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học Úc trong một ngày hội thông tin tổ chức hồi đầu tháng 8

NGỌC LONG

Theo ông Sheehy, báo cáo mới nhất từ Bộ Nội vụ Úc cho thấy số lượng visa du học cấp cho sinh viên quốc tế đã giảm 23% so với năm 2023, tương đương với việc mất 59.410 sinh viên. Điều này gây thiệt hại 4,3 tỉ AUD cho nền kinh tế và có thể khiến ngành ĐH mất 14.000 việc làm, chưa kể đến các tác động lên những doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào du học sinh.

Các tranh luận xoay quanh vấn đề về Chỉ thị Bộ 107 và chính sách giới hạn tuyển sinh chỉ là một trong những động thái nổi bật từ thị trường du học Úc trong những tháng vừa qua. Trước đó không lâu, Úc quyết định tăng lệ phí xin visa du học lên 1.600 AUD. Vào cùng ngày, nhiều quy định khác của chính phủ nhằm thắt chặt visa cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng "nhảy" visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.

Điều này diễn ra trong bối cảnh hơn 21% ứng viên người Việt bị Úc từ chối cấp visa du học trong 10 tháng qua và có khả năng khiến 2023 là năm tài khóa đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm. Trong số các hình thức du học, giáo dục và đào tạo nghề cùng khóa học tiếng Anh độc lập là hai lĩnh vực xếp chót bảng về tỷ lệ chấp nhận, lần lượt là 53,2% và 51,6%.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 5.2024, có 704.931 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.765 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...

Độ rủi ro của các tổ chức giáo dục là một khái niệm được ra mắt từ năm 2016 trong hệ thống đơn giản hóa visa du học (SSVF). Theo đó, nếu càng nhiều sinh viên quốc tế trượt visa sau khi đã được cấp thư mời nhập học, đánh giá rủi ro (Evidence Level) của trường trong SSVF càng có nguy cơ bị xếp hạng thấp (theo 3 cấp độ với mức 3 là xếp hạng thấp nhất).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.