Úc tìm thấy vật liệu phóng xạ nguy hiểm thất lạc

Văn Khoa
Văn Khoa
01/02/2023 15:17 GMT+7

Giới chức Úc cho hay một vật liệu phóng xạ nhỏ nhưng nguy hiểm bị thất lạc trong tháng trước đã được tìm thấy.

"Đó là một kết quả tốt, như tôi đã nói việc đó khó như mò kim đáy bể, và tôi nghĩ người dân Tây Úc có thể ngủ ngon hơn đêm nay", Giám đốc Sở Cứu hỏa và Dịch vụ khẩn cấp Tây Úc Stephen Dawson nói với các phóng viên về việc vật liệu phóng xạ được tìm thấy, theo AFP.

Trước đó, vào ngày 28.1, AFP dẫn thông báo từ lực lượng khẩn cấp và sở y tế tại bang Tây Úc cho hay vật liệu phóng xạ bị mất là một viên nhỏ bằng bạc có kích thước 8x6 mm, bên trong có chứa chất phóng xạ Caesium-137.

Úc tìm thấy vật liệu phóng xạ nguy hiểm bị mất trong tháng trước - Ảnh 1.

Hình dáng viên chứa chất phóng xạ bị mất

Sở Cứu hỏa và dịch vụ khẩn cấp Tây Úc

Viên này được sử dụng trong hoạt động đo đạc khai thác khoáng sản và được cho là rơi ra khỏi chiếc xe tải trong quá trình vận chuyển từ hầm mỏ về cơ sở lưu trữ hồi giữa tháng 1. Lần cuối cùng nó được nhìn thấy là vào hôm 12.1, khi được chuyển đi khỏi mỏ.

Nhà chức trách chỉ được thông báo vào hôm 25.1 khi công ty quản lý vật liệu nói trên phát hiện bị mất.

Viên chứa phóng xạ được cho là bị thất lạc trên tuyến đường dài 1.400 km từ thị trấn Newman đến khu ngoại ô phía bắc thành phố Perth, thành phố lớn nhất của bang.

Úc đã tìm ra viên nang phóng xạ thất lạc trong sa mạc như thế nào?

Các bên không tìm thấy vật liệu trên tại khu mỏ và tại kho bãi ở Perth. Lực lượng cứu hỏa ước tính việc tìm kiếm sẽ mất nhiều tuần và ưu tiên tìm kiếm tại các khu dân cư.

Các quan chức y tế cảnh báo vật này có thể gây bỏng hoặc vấn đề khác về sức khỏe nghiêm trọng nếu tiếp xúc. Các quan chức khuyến cáo người dân không nên chạm vào vật liệu phóng xạ nói trên nếu tìm thấy mà nên tránh xa ít nhất 5 mét và liên lạc với cơ quan khẩn cấp ngay lập tức, theo trang 7news.com.au. "Điều lo ngại là ai đó nhặt nó lên mà không biết họ đang tiếp xúc với thứ gì", lãnh đạo y tế bang Tây Úc Andrew Robertson nói.

Ông cho biết vật liệu trên phát ra 2 mili sievert phóng xạ mỗi giờ, tương đương với 10 lần chụp X-quang trong một giờ. Sievert là đơn vị đo liều bức xạ. 1 Sievert bằng 1.000 mili sievert. "Hai mili sievert là lượng bức xạ tự nhiên mà ta hấp thụ khi đi lại trong một năm. Tuy nhiên, đây là nguồn phóng xạ mà ta cần rất cẩn thận vì nó chứa liều phóng xạ khá lớn. Nó phát tia beta và gamma nên nếu bạn tiếp xúc hay đến gần, bạn có thể bị bỏng da và bị các bệnh cấp tính vì nhiễm xạ", ông Robertson nói, cảnh báo thêm là phơi nhiễm lâu có thể gây ung thư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.