Thỏa thuận cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine đã chấm dứt vào ngày đầu năm mới 2025.
Động thái này chấm dứt sự thống trị của Nga về nguồn cung trên thị trường khí đốt châu Âu trong suốt thời gian dài.
Tuyến đường xuất khẩu khí đốt lâu đời nhất của Nga sang châu Âu là đường ống có từ thời Liên Xô.
Thỏa thuận hết hạn sau khi Naftogaz của Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận quá cảnh 5 năm với Gazprom của Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko gọi đây là một “sự kiện lịch sử”.
Ông nói trong một tuyên bố: “Nga đang mất thị trường và sẽ phải chịu tổn thất về tài chính".
Dù đang trong xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng 12 nói rằng Kyiv có thể xem xét cho phép vận chuyển khí đốt của Nga, nhưng với điều kiện là các khoản thanh toán cho Moscow phải được giữ lại cho đến khi giao tranh kết thúc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin một tuần sau cho biết không còn thời gian để ký một thỏa thuận mới.
Nga và Liên Xô đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần lớn trên thị trường khí đốt châu Âu, chiếm đến 35% ở giai đoạn cao điểm.
Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine gần như đã phá hủy hoạt động kinh doanh đó của Gazprom và Nga chỉ còn giữ khoảng 8% thị trường.
Hầu hết các tuyến đường khí đốt của Nga đến châu Âu đều bị đóng cửa, bao gồm Yamal-Europe qua Belarus và Nord Stream dưới biển Baltic đã bị nổ tung vào năm 2022.
Giá khí đốt của EU tăng trong cùng năm lên mức cao kỷ lục sau khi mất nguồn cung cấp từ Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc lặp lại đà tăng đó khó có thể xảy ra vì khối lượng mua bán không còn nhiều, và chỉ một lượng nhỏ khách hàng bị ảnh hưởng.
Tuyến khí đốt đi qua Ukraine cung cấp cho Áo và Slovakia, và cả hai đều đã tìm được nguồn cung thay thế.
Ukraine chấp nhận mất đi khoản chi trả 800 triệu USD mỗi năm từ Nga.
Trong khi đó, Gazprom sẽ mất gần 5 tỉ USD doanh thu bán khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine.
Bình luận (0)