Hãng TASS đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga và rời Moscow vào sáng 22.3, sau 2 ngày hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu nước này. Nga trở thành nước đầu tiên ông Tập đến thăm sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, với một trong những trọng tâm thảo luận là kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Trung Quốc đề xuất.
Kyiv chờ câu trả lời
Trong thời gian ông Tập thăm Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ông đã mời Trung Quốc hội đàm và đang chờ phản hồi, theo AFP. "Chúng tôi đề nghị Trung Quốc trở thành đối tác trong việc triển khai công thức hòa bình. Chúng tôi đã chuyển công thức này trên tất cả các kênh", ông phát biểu và đề cập kế hoạch hòa bình của mình. Kế hoạch này gồm các điều kiện như Nga phải tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân và bồi thường tổn thất.
Xem nhanh: Ngày 391 chiến dịch, Ukraine sẽ sớm có xe tăng Abrams, đạn DU; sẽ phản công cô lập Crimea?
Trong khi chưa có thông tin xác nhận về khả năng điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay ông hoan nghênh khả năng đối thoại đó. "Chúng tôi tin rằng Trung Quốc và bản thân Chủ tịch Tập nên nghe trực tiếp từ góc nhìn của Ukraine và không chỉ góc nhìn của Nga", ông phát biểu. Theo tờ Politico, trước chiến sự, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine và thị trường nhập khẩu lớn về lúa mạch, ngô. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hạ tầng Ukraine như các cảng và lĩnh vực viễn thông. Dù Mỹ và một số chuyên gia tỏ ra ngờ vực về khả năng hòa giải của Trung Quốc, bà Vita Golod, Chủ tịch Hiệp hội Các chuyên gia Ukraine về Trung Quốc học, cho rằng Bắc Kinh vẫn cần châu Âu. "Giờ đây, họ có thể cho thấy điều đó thông qua ảnh hưởng tích cực. Họ có thể tạo hình ảnh của bên hòa giải như từng giúp Iran và Ả Rập Xê Út", bà nhận định.
Mỹ tăng tốc chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine, 4 nghị sĩ Mỹ kêu gọi gửi bom chùm
Chiến sự vẫn căng thẳng
Về chiến sự, tờ The Guardian dẫn báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh ngày 22.3 cho rằng dường như cuộc tấn công của Nga vào thành phố Bakhmut ở Donetsk đang mất dần động lực. Theo đó, nguyên nhân có thể do một số đơn vị Nga được điều động đến những khu vực khác. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 22.3 cho hay lực lượng nước này đã đẩy lùi 114 cuộc tấn công của Nga trong vòng 24 giờ. Quân Nga chủ yếu tập trung tấn công về các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Mariinka và Shakhtarsk ở Donetsk. Ngoài ra, Ukraine còn tuyên bố đã bắn hạ 16 trong số 21 máy bay không người lái (UAV) do Nga triển khai.
IMF, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Ukraine
Reuters ngày 22.3 đưa tin Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đạt thỏa thuận sơ bộ với Ukraine về gói hỗ trợ tài chính 4 năm trị giá khoảng 15,6 tỉ USD. Đây sẽ là khoản vay lớn nhất của Ukraine kể từ khi chiến sự bùng nổ, và cũng là khoản vay lớn nhất mà IMF cung cấp cho một quốc gia đang có xung đột. Hội đồng Điều hành IMF sẽ thảo luận việc thông qua khoản vay này trong vài tuần tới.
Trong một diễn biến khác, Đài NHK đưa tin Thủ tướng Nhật Kishida Fumio khi thăm Kyiv ngày 21.3 cho hay ông đã mời Tổng thống Zelensky dự họp trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5. Ông Kishida cam kết hỗ trợ 30 triệu USD thiết bị phi sát thương cho Ukraine thông qua một quỹ của NATO và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khôi phục hòa bình.
Nga chưa bình luận về những diễn biến trên. Trong khi đó, Nga phản ứng mạnh về việc chính quyền Anh ngày 20.3 thông báo sẽ gửi kèm đạn pháo 120 mm có chứa "uranium nghèo" để sử dụng trên các xe tăng Challenger 2 mà nước này cung cấp cho Ukraine.
Nga lên án kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine của Anh
Uranium nghèo là thứ phẩm của việc làm giàu uranium tự nhiên để làm nhiên liệu hạt nhân, có mức phóng xạ thấp hơn và được sử dụng làm đạn xuyên giáp với sức công phá lớn. Hãng TASS ngày 22.3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng việc gửi đạn pháo đó sẽ góp phần rút ngắn thời gian dẫn đến "đụng độ hạt nhân" tiềm tàng giữa Nga và phương Tây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc phương Tây sẽ "hủy diệt hoàn toàn Ukraine" với ý định đó.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh James Cleverly bác bỏ việc leo thang hạt nhân, đồng thời nói rằng điều này không đe dọa Nga mà chỉ thuần túy giúp Ukraine phòng vệ, trong khi "quốc gia duy nhất nói về vấn đề hạt nhân là Nga".
Bình luận (0)