Tự động phát
Báo cáo cập nhật của tình báo quốc phòng Anh hôm 28.7 nói "lực lượng Ukraine rất có thể đã thiết lập được một điểm vượt sông ở phía nam sông Ingulets, vốn tạo thành địa giới phía bắc của tỉnh Kherson do Nga kiểm soát".
Theo tình báo Anh, Ukraine đã dùng pháo tầm xa mới "gây hư hại cho ít nhất ba cây cầu bắc qua sông Dnipro" mà Nga dùng để tiếp tế cho các khu vực họ kiểm soát. Một trong số này là cầu Antonovsky dài hơn 1.000 m, đã bị hư hại trong đợt tập kích tuần trước.
Đến ngày 27.7, Ukraine tập kích lần nữa, và Bộ Quốc phòng Anh cho rằng nhiều khả năng cây cầu này không còn dùng được nữa.
Vì vậy, theo phía Anh, "Tập đoàn quân số 49 của Nga đang đóng trên bờ tây sông Dnipro có vẻ rất dễ bị tổn thương".
Cơ quan này nhận định thành phố Kherson, thủ phủ của tỉnh cùng tên và là đô thị quan trọng nhất về mặt chính trị mà Nga đang kiểm soát, cũng "gần như bị tách khỏi các khu vực khác" mà Nga kiểm soát. Nếu để mất Kherson, rất khó để Nga tuyên bố chiến dịch thành công.
Tình báo Anh: Ukraine đang phản công, đạt nhiều tiến triển |
Nga chưa bình luận về đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh.
Cầu Antonovsky bắc qua sông Dnipro có 30 nhịp với tổng chiều dài 1.366 m, rộng 25 m, được đưa vào hoạt động năm 1985.
Nếu cầu Antonovsky bị phá hủy, nguồn cung và quân tiếp viện của Nga đến từ các khu vực khác ở tỉnh Kherson và bán đảo Crimea sẽ bị đe dọa.
Ông Anton Herashchenko, cố vấn cao cấp của Tổng thống Ukraine, ngày 27.7 thông báo quân đội nước này dùng pháo phản lực HIMARS "giáng một đòn mạnh vào cầu Antonovsky", và bày tỏ "hy vọng rằng lần này cầu Antonovsky không chịu được sức công phá từ đạn hỏa tiễn của HIMARS".
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khẳng định sẽ xây lại cầu sau khi xung đột kết thúc, nhưng hiện nay cần đảm bảo quân Nga “không có cơ hội tiếp tế hậu cần”.
Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, sau đó xác nhận cây cầu bị pháo kích song vẫn đứng vững.
Ông Stremousov nói vụ bắn phá cầu cầu Antonovsky "có thể gây khó khăn đôi chút cho cuộc sống của dân chúng, song không làm ảnh hưởng tới tình hình chiến sự".
Ông cũng khẳng định quân đội Nga đã thiết lập một số bến phà và cầu phao, thực phẩm sẽ được giao tới dân địa phương đúng hạn.
Tuy nhiên, phía Ukraine cho rằng tình hình ở Kherson đã xấu đi nhiều.
Bộ Quốc phòng Ukraine cảnh báo trong một bài đăng Twitter rằng "quân chiếm đóng ở Kherson nên rút lui, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Lựa chọn thuộc về họ".
Còn ông Mikhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong một bài đăng trên Twitter hôm 27.7 cảnh báo rằng quân Nga "nên học cách bơi qua sông Dnipro. Họ nên rút khỏi Kherson khi vẫn có thể. Có thể không có cảnh báo thứ ba".
Giao tranh tại miền nam đang leo thang khi Ukraine tổ chức phản công trong thời gian gần đây.
Lực lượng Ukraine liên tục tuyên bố tấn công các kho đạn và chỉ huy sở của Nga tại tỉnh Kherson bằng pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp.
Trong khi đó, Nga phóng tên lửa nhằm vào mục vị trí của Ukraine dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, các khu vực hai bên kiểm soát được nhận định ít thay đổi.
Nga kiểm soát tỉnh Kherson từ hồi tháng 3 và đã có nhiều động thái củng cố hiện diện như phủ sóng truyền hình Nga, quy định đồng rúp là đồng tiền chính thức và đơn giản hóa thủ tục nhập tịch cho cư dân.
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych hôm 27.7 xác nhận chiến lược phản công của Ukraine ở miền nam là cô lập các lực lượng Nga. Ông nói rằng “lực lượng vũ trang Ukraine trước hết sẽ làm cho quân Nga không còn kho đạn, nhiên liệu, thông tin liên lạc và chỉ huy, rồi tự họ sẽ phải dọn dẹp tàn tích của mình”.
Ông Arestovych nói rằng lực lượng Nga chỉ có 3 lựa chọn là “rút quân (nếu có thể), đầu hàng hay bị tiêu diệt”.
Bình luận (0)