Ukraine đang thay đổi chiến lược nhờ vũ khí phương Tây

15/08/2022 06:30 GMT+7

Vũ khí tầm xa đang giúp Ukraine thọc sâu vào phòng tuyến, cắt đứt những tuyến tiếp tế quan trọng và tấn công mục tiêu Nga, khiến Moscow phải đưa ra các điều chỉnh trên chiến trường.

Chiến lược mới của Ukraine

Giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Ukraine liên tục bị pháo kích, mất quyền kiểm soát lãnh thổ vào tay Nga và thiệt hại đến 200 binh sĩ/ngày trong những cuộc đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp trong những tuần gần đây đã giúp Ukraine thay đổi chiến lược và thành công trong việc làm chậm bước tiến của Nga, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 gần chiến tuyến ở tỉnh Mykolaiv ngày 13.8

Reuters

Bằng các vũ khí mới này, Ukraine đã tấn công vào những mục tiêu nằm sâu trong chiến tuyến của Nga và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế then chốt. Việc này buộc Nga phải sắp xếp lại lực lượng, giúp Ukraine có thêm khoảng nghỉ để đưa ra các quyết định mang tính chiến lược hơn.

“Chúng tôi không có đủ nguồn lực để liên tiếp dội pháo như Nga. Do đó, cần phải thay đổi chiến thuật, chiến đấu theo một cách khác”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo Pravda (Ukraine) hồi tuần trước.

The New York Times nhận định chiến lược mới của Ukraine dường như đang đạt được một số kết quả nhất định. Dù vẫn chưa giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực, quân đội Ukraine đã gây tổn thất nặng nề và làm bước tiến của Nga chậm lại ở nhiều chiến địa quan trọng.

Nhờ vũ khí phương Tây, Ukraine điều chỉnh chiến lược kháng cự Nga

Chiến lược mới của Ukraine đặc biệt phù hợp với mặt trận Kherson ở miền nam, nơi Ukraine đã mở cuộc phản công trong nhiều tuần qua và hy vọng có thể lật ngược tình thế. Nguồn cung của thành phố Kherson phụ thuộc vào bốn cây cầu bắc qua sông Dnipro. Vì vậy, tuyến tiếp tế của nơi này dễ bị cắt đứt hơn những khu vực khác và đã bị hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Ukraine đánh sập.

Tuy nhiên, Nga vẫn đang gây áp lực lên các phòng tuyến ở phía đông, phía nam Ukraine và đạt được một số lợi thế nhất định. The New York Times chỉ ra rằng điều này cho thấy dù gặp trở ngại từ những cuộc phản công của Ukraine, Nga vẫn có đủ nguồn lực để tiếp tục tiến công.

Giao tranh căng thẳng

Các diễn biến mới trên thực địa dường như phản ánh những nhận định trên. The Guardian đưa tin quân đội Ukraine ngày 13.8 tuyên bố phá hủy cây cầu cuối cùng trong 4 cây cầu dẫn đến Kherson, cắt đứt nguồn tiếp tế và có thể khiến lực lượng Nga bị cô lập. Ukraine ngày 13.8 cũng phá hủy 2 kho đạn của Nga ở miền nam cùng 1 xe tăng T-72, 4 xe bọc thép và xe quân sự. Nga chưa xác nhận những thông tin này.

Vì sao Ukraine từ chối đàm phán với Nga?

Theo báo cáo tình báo quân sự Anh công bố ngày 14.8, trước tình hình này, Nga đang ưu tiên sắp xếp lại lực lượng để gia tăng sức mạnh ở miền nam. Tuy nhiên, các lực lượng do Nga hậu thuẫn cũng đang tấn công vào thành phố Donetsk ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ cùng ngày nhận định Nga đang đẩy mạnh tiến công ở Donbass để buộc Ukraine phải rút bớt lực lượng khỏi Kherson.

Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng giao tranh đang đặc biệt dữ dội ở làng Pisky, gần sân bay Donetsk, xác nhận thông báo quân đội Ukraine đưa ra ngày 13.8. Trước đó, Nga tuyên bố đã giành toàn quyền kiểm soát ngôi làng này.

Nga cảnh báo quan hệ với Mỹ có thể bị tổn hại

Hãng tin TASS ngày 13.8 dẫn lời Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Darchiev cho biết việc Mỹ đưa Nga vào danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố có thể tổn hại nghiêm trọng quan hệ song phương đến mức “không thể cứu vãn”. Ông Darchiev cũng nói Mỹ đã được cảnh báo về điều này.

Phát biểu được đưa ra sau khi Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng 7 thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xem Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố. Động thái này cũng được Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ủng hộ. Một số nghị sĩ còn tuyên bố nếu Bộ Ngoại giao không làm điều này, họ sẽ vận động để quốc hội thông qua dự luật xem Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố, dù có sự đồng ý của Tổng thống Joe Biden hay không.

Nga ra điều kiện gì để hàn gắn quan hệ với Mỹ?

Quốc hội Latvia hôm 11.8 đã tuyên bố Nga là “nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố”, đồng thời kêu gọi các nước cùng chí hướng bày tỏ quan điểm tương tự. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là quyết định vô căn cứ và là một phần trong chiến dịch chống Nga kéo dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.