Ukraine được tiếp thêm sức mạnh

Văn Khoa
Văn Khoa
10/01/2025 05:30 GMT+7

Đại diện của khoảng 50 quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine có cuộc họp cuối cùng tại căn cứ Mỹ ở Đức trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chiều qua (theo giờ VN), đại diện Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) bắt đầu cuộc họp tại căn cứ Ramstein của Mỹ tại Đức, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là cuộc họp thứ 25 và cũng là cuộc họp cuối cùng của UDCG, gồm 50 quốc gia ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20.1, theo AFP.

Điểm xung đột: Trung tâm hậu cần Ukraine bị đe dọa; Triều Tiên rèn quân nhờ Nga?

Gói viện trợ mới

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh cuộc chiến của Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga "có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta". Tại đây, ông Austin công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD bao gồm tên lửa bổ sung khả năng phòng không của Ukraine, nhiều đạn dược và các thiết bị khác để hỗ trợ máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine, theo AFP.

Khi đến dự cuộc họp tại Ramstein, bà Kaja Kallas, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), cho hay bà hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, và nếu không thì EU sẵn sàng dẫn đầu nỗ lực này. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh các đồng minh của Ukraine sẽ phải hợp tác nhiều hơn sau khi ông Trump nhậm chức, đồng thời cho rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ mang lại "những cơ hội mới".

Ukraine được tiếp thêm sức mạnh- Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine tại tỉnh Kharkiv khai hỏa về phía binh sĩ Nga ở tiền tuyến ngày 6.1

ẢNH: REUTERS

Trước đó, Bộ trưởng Austin phát động quy trình điều phối việc giao chiến đấu cơ, xe tăng, tên lửa, hệ thống phòng không và vũ khí cho Ukraine, nhưng quy trình này có nguy cơ trở nên không chắc chắn khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức. Nhà lãnh đạo này đã đặt vấn đề xem xét lại việc Mỹ ủng hộ Ukraine và chỉ trích các đồng minh NATO chi tiêu quá ít cho phòng thủ chung. Dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, Mỹ là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với tổng giá trị hơn 65 tỉ USD kể từ tháng 2.2022. Kế đến là Đức, với khoảng 30 tỉ USD.

Tổng thống Pháp Macron khuyên Ukraine kỳ vọng ‘thực tế’ về vấn đề lãnh thổ

Mục tiêu của ông Trump

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 8.1, ông Keith Kellogg, người được Tổng thống đắc cử Trump chọn làm đặc phái viên hòa bình đặc biệt về Ukraine, cho hay nhà lãnh đạo đặt mục tiêu chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 100 ngày kể từ khi nhậm chức. Ông Keith cho biết thêm mục tiêu cá nhân và trách nhiệm của ông là giúp ông Trump làm trung gian cho một giải pháp vào thời điểm đó.

Việc thúc đẩy chấm dứt nhanh chóng xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lo ngại Kyiv sẽ bị gây sức ép để đưa ra những nhượng bộ bất lợi, bao gồm cả mất lãnh thổ, theo trang The Kyiv Independent. Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận quân đội nước này hiện không thể dùng vũ lực giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát và cho rằng một số khu vực sẽ phải được giành lại thông qua biện pháp ngoại giao.

Diễn biến mới về tình hình chiến sự

Tính đến hôm qua, xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài 1.050 ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 46 trong số 70 máy bay không người lái do Nga phóng trong đêm 8.1 và rạng sáng 9.1, theo Reuters. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua cho biết trực thăng chiến đấu Ka-52M của nước này đã tiêu diệt một cứ điểm cùng quân nhân và thiết bị quân sự của Ukraine ở tỉnh Kursk thuộc Nga. Đến tối qua chưa có thông tin về phản ứng của 2 bên về tuyên bố nói trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.