Các quan chức cho biết tiến trình chuyển giao tên lửa JASSM cho Ukraine có thể mất vài tháng vì Mỹ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật.
Họ kỳ vọng tên lửa JASSM sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường khi đặt nhiều vùng lãnh thổ của Nga vào tầm bắn của loại đạn dẫn đường chính xác và có hỏa lực mạnh hơn.
Các nhà phân tích quân sự đánh giá với khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết tên lửa Ukraine đang sở hữu, JASSM có thể đẩy lùi các điểm tập kết và kho hậu cần của Nga xa hơn hàng trăm km. Điều này sẽ làm phức tạp khả năng duy trì chiến dịch của Nga, mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Nếu Ukraine phóng JASSM từ các điểm gần biên giới phía bắc, thì tên lửa có thể tiếp cận đến các cơ sở quân sự trong các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết họ từng cố gắng tích hợp tên lửa JASSM lên máy bay quân sự mà Ukraine sở hữu. Quan chức này không cung cấp chủng loại cụ thể và kết quả của chương trình. Ukraine đang vận hành tiêm kích MiG-29, Su-27 và cường kích Su-24 thừa hưởng từ Liên Xô.
Nhu cầu về vũ khí có hỏa lực mạnh hơn của Ukraine ngày càng tăng cao trong bối cảnh quân đội nước này tiếp tục đối mặt áp lực dữ dội từ lực lượng Nga dọc theo mặt trận ở vùng Donbass.
Theo Reuters, Mỹ hiện có hai mẫu JASSM. Các mẫu JASSM cũ hơn do tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin sản xuất, có tầm bắn khoảng 380km. Mẫu JASSM mới và cải tiến có tầm bắn xa hơn, lên đến 804km.
Hiện nay, chưa thể xác định được Washington sẽ chuyển giao cho Ukraine loại nào trong hai mẫu tên lửa trên.
NATO cảnh báo Ba Lan về ‘hậu quả’ tiềm tàng nếu quyết định đánh chặn tên lửa Nga
Chuyên gia George William Herbert thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey (Mỹ) nhận định mặc dù các mẫu tên lửa cũ có thể kém chống chịu với tác chiến điện tử hơn so với phiên bản cải tiến của JASSM, nhưng đầu dò hồng ngoại sẽ giúp tên lửa này tìm thấy mục tiêu ngay cả khi bị nhiễu nặng.
Một quan chức quốc hội Mỹ nhận định cung cấp JASSM cho Ukraine có thể gây thêm sức ép buộc nước này phải dỡ bỏ hạn chế về cách dùng vũ khí họ viện trợ. Người này cho biết tác dụng của tên lửa JASSM sẽ bị giảm nếu Ukraine không được dùng chúng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Trước đó, Mỹ nhiều lần miễn cưỡng cung cấp vũ khí có thể tấn công vào mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga cho Ukraine, do Washington lo ngại chúng làm leo thang xung đột.
Một số quốc gia phương Tây cũng hạn chế cách thức và thời điểm mà Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại điều này khiến NATO bị kéo vào xung đột hoặc làm bùng phát chiến tranh hạt nhân.
Bình luận