Tấn công liên tục
Trong ngày tổng tuyển cử cuối cùng 17.3, giới chức Nga cáo buộc Ukraine đã "tăng cường các hoạt động khủng bố" với mục đích "phá hoại". Trong số này có cuộc tấn công vào một điểm bỏ phiếu tại tỉnh Zaporizhzhia ở đông nam Ukraine - nơi Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm trước. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Vladimir Rogov, quan chức do Moscow bổ nhiệm tại Zaporizhzhia, cho biết cuộc oanh tạc đã khiến một tòa nhà gần đó bốc cháy. Ukraine phản đối tổ chức bầu cử tại các khu vực mà Nga kiểm soát ở Ukraine.
Điểm xung đột: Ukraine tập kích 'phá' bầu cử Nga; Houthi có tên lửa bội siêu thanh?
Bên trong lãnh thổ Nga, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố bắn hạ 12 tên lửa được cho là phóng từ Ukraine tới tỉnh Belgorod. Tiếp đó, ông Andrey Klychkov, Thống đốc TP.Oryol thuộc tỉnh cùng tên của Nga, hôm qua cũng cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ thêm một máy bay không người lái (UAV) khác nghi do Kyiv phóng. Trên ứng dụng Telegram, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã phá hủy 17 UAV tại tỉnh Krasnodar ở phía nam đất nước, 4 chiếc ở vùng Moscow và một số ở 6 khu vực khác.
Trong tuần qua, Nga ghi nhận các cuộc tấn công lớn nhằm vào 4 nhà máy lọc dầu ở nước này. Trước làn sóng tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 17.3 đã ra lệnh bố trí thêm hỏa lực trên các tàu chiến của Hạm đội biển Đen để ngăn chặn UAV của đối phương. Nga sau đó cũng tuyên bố kiểm soát phần trung tâm khu định cư Rabotino (tỉnh Zaporizhzhia) và đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Ukraine.
Theo Reuters, trong bài phát biểu đêm 16.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không đề cập các cuộc tấn công do Nga báo cáo mà bày tỏ cảm ơn lực lượng quân sự và tình báo quốc gia "vì khả năng tầm xa mới của Ukraine". Trong khi đó, Hãng thông tấn Ukrinform dẫn báo cáo từ Bộ chỉ huy Không quân miền nam Ukraine đưa tin Nga đã phóng 16 UAV tấn công vào 2 tỉnh Odessa và Mykolaiv, gây nhiều thiệt hại. Phía Nga chưa bình luận về thông tin này.
Tổng thống Pháp lại nói phương Tây có thể 'sẽ phải điều quân đến Ukraine'
Tổng thống Pháp gây sức ép
Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông sẽ yêu cầu Nga tuân thủ lệnh ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Paris (dự kiến khai mạc ngày 26.7). Khi được yêu cầu bình luận về khả năng vận động viên tự do Nga tham dự Thế vận hội, ông nói với tư cách là nước chủ nhà, Pháp đang gửi thông điệp hòa bình theo các quyết định từ Ủy ban Olympic quốc tế.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Paris ngừng cung cấp vũ khí cho Kyiv. Theo bà, lẽ ra Tổng thống Pháp "nên đề xuất ngừng bắn tương tự ở Trung Đông", TASS đưa tin.
Trước đó, trong phần phát biểu hôm 16.3, Tổng thống Macron tiếp tục đưa ra quan điểm gây tranh cãi khi tuyên bố các hoạt động trên bộ của phương Tây ở Ukraine có thể cần thiết "vào một lúc nào đó". Tháng trước, ông cũng đã từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới lãnh thổ Ukraine và phát ngôn này nhanh chóng vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đức cũng như các đối tác châu Âu khác.
Kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn đến mức nào?
Chờ đợi kết quả bầu cử Nga
Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu ở Nga đóng cửa vào 20 giờ tối 17.3 (giờ địa phương) sau 3 ngày diễn ra tổng tuyển cử. Ngày 19-21.3 là khoảng thời gian kiểm đếm phiếu. Tiếp đến, giới chức bầu cử sẽ có thêm 1 tuần (từ 21-28.3) để chốt kết quả. Tuy nhiên, các mốc này có thể thay đổi tùy tình hình thực tế và kết quả có thể được công bố sớm hơn dự kiến. Theo cập nhật trực tiếp từ Ủy ban bầu cử trung ương Nga, tính đến trưa 17.3 (giờ Moscow), tỷ lệ cử tri trên cả nước tham gia bỏ phiếu trực tuyến đã đạt 90%, còn số người đi bầu tại các điểm bỏ phiếu trực tiếp là hơn 65%, TASS đưa tin.
Trong đợt bầu cử lần này, đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền đã đối mặt một cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) trên diện rộng. Đây là hình thức xâm nhập mạng nhằm làm tê liệt lưu lượng truy cập web. Moscow đã đình chỉ các dịch vụ không thiết yếu để đẩy lùi sự cố này. Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova ước tính 280.000 nỗ lực can thiệp bằng hình thức này đã bị chặn.
Bình luận (0)