Đến nay, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ đi về đâu vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ, bởi vẫn chưa chắc gì Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể đàm luận êm xuôi hay tìm ra một giải pháp cho căng thẳng đang xảy ra ở vùng Donbass, nằm ở phía đông của Ukraine.
Để củng cố tinh thần cho Ukraine, Mỹ và một số đồng minh tiến hành điều động tàu chiến, máy bay đến khu vực Biển Đen. Các hành động này đã bị Nga chỉ trích mạnh mẽ.
Trong khi đó, Moscow không tỏ ý nhún nhường và ngày càng gia tăng sức ép quân sự lên biên giới Nga – Ukraine. Sau khi triển khai lực lượng quân sự hùng hậu với nhiều loại pháo tầm xa, pháo tự hành, xe tăng, tên lửa…, Moscow liên tục điều động binh sĩ đến khu vực gần biên giới Nga – Ukraine.
Không những vậy, Nga cũng không e ngại đưa ra thông điệp đe dọa “hủy diệt” Ukraine nếu Kiev quyết định tấn công lực lượng quân sự thân Nga đang kiểm soát và đòi độc lập cho vùng Donbass. Lý do mà Moscow đưa ra để can dự khi Kiev tấn công Donbass là bảo vệ những người mang quốc tịch Nga ở vùng này.
Xét về tương quan sức mạnh quân sự và những gì từng diễn ra, nếu bùng nổ xung đột với Nga thì gần như Ukraine không có có bất cứ cơ hội nào để giành thắng lợi. Và nếu tấn công Donbass để rồi bị Nga can thiệp, Ukraine có thể sẽ sớm mất vùng Donbass. Chính vì thế, Ukraine chẳng khác nào đang đứng trước “họng súng” của Nga.
Trong bối cảnh như vậy, Ukraine rõ ràng khó có thể dám liều lĩnh tấn công quy mô lớn vào Donbass. Thực tế, cuối tuần trước, một chỉ huy quân sự nước này khẳng định Kiev chưa có kế hoạch tấn công tổng lực nhằm vào Donbass.
Tuy nhiên, có một thách thức không nhỏ khác giành cho Kiev chính là nếu không tấn công tổng lực Donbass thì sẽ tiếp tục thế giằng co, binh sĩ Ukraine tiếp tục thiệt mạng và thực tế cũng không kiểm soát được vùng Donbass. Không giành chiến thắng trên chiến trường thì làm sao có ưu thế trên bàn đàm phán ngoại giao.
Điều đó đồng nghĩa với việc khó có một giải pháp đàm phán nào khả thi để Ukraine có thể hòa đàm có lợi về vấn đề Donbass. Như vậy, Ukraine “không thể đàm, cũng chẳng thể đánh”. Đó chính là tình cảnh tiến thoái lưỡng nan cho Ukraine.
|
Về phía NATO, dù có nhiều động thái ủng hộ Ukraine, nhưng khó có thể xảy ra chuyện liên minh quân sự này phiêu lưu để tham chiến nếu xảy ra xung đột. Cho nên, nếu xảy ra xung đột, các thành viên NATO mà tiên phong là Mỹ thì có lẽ cũng chỉ “bổn cũ soạn lại”: đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, bị phương Tây trừng phạt nặng nề sau vụ Crimea, Nga đến nay dường như thừa sức “sống chung với lũ”. Những kết quả kinh tế gần đây cho thấy bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt, Nga gần như đã tăng trưởng ổn định dù mức độ chưa cao. Chính vì thế, khó có chuyện vì lo ngại bị phương Tây trừng phạt mà Nga sẽ chủ động xuống thang.
Không đủ sức tự thân đối đầu và các lực lượng hậu thuẫn cũng khó hỗ trợ hiệu quả, Ukraine dường như sẽ khó thoát khỏi tình cảnh tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Donbass.
Bình luận (0)