Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... vốn là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.
Bên cạnh lợi thế, UKVFTA cũng đặt ra những thách thức nhất định trong việc tận dụng cam kết cũng như sức ép đối với thị trường trong nước. Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) và hàng hóa dịch vụ trong nước, đặc biệt là những ngành hàng mà Anh đang có thế mạnh như dược, hóa chất, dịch vụ tài chính…
Ngoài ra, đến hết quý 3 năm nay, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỉ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vùng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá, quy mô đầu tư của Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỉ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Do đó, nhiều chuyên gia cũng tin rằng sau hiệp định này, cơ hội để Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư từ Anh cũng gia tăng.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng việc ký kết UKVFTA là một tin vui nữa đến với Việt Nam, bất chấp những thách thức đã diễn ra trong năm 2020, bao gồm đại dịch Covid-19. Đây sẽ là một thành tựu tiếp sau việc EVFTA vừa có hiệu lực vào tháng 8 và Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) đã được ký vào tháng 11. Lợi thế xuất khẩu chính của Việt Nam là các mặt hàng điện tử, giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ, thủy hải sản và các sản phẩm khác hiện nước Anh đang có nhu cầu. Ngoài ra, UKVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho DN Anh trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và các ngành khác...
“Chúng tôi tin rằng UKVFTA sẽ góp phần vào sự phát triển hơn nữa của mảng dịch vụ tài chính thông qua thúc đẩy chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Việc mở cửa thị trường mới và mở rộng giao dịch xuyên biên giới được kỳ vọng sẽ làm tăng nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Các tổ chức tài chính sẽ cần đi đầu quá trình phát triển các công nghệ và phương pháp mới để thích ứng với nền kinh tế mở. Cuối cùng, UKVFTA về tổng thể sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, chúng ta có thể mong đợi ngành dịch vụ tài chính Việt Nam sẽ bắt tay thực hiện cải cách nhiều hơn nữa để tận dụng cơ hội này và tạo điều kiện cho tăng trưởng, phát triển liên tục”, ông Tim Evans chia sẻ thêm.
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cũng nhấn mạnh rằng nếu ngành dịch vụ tài chính, dịch vụ năng lượng sạch, y tế của Anh vào Việt Nam theo sau UKVFTA là điều rất tốt cho DN Việt. Khi các dịch vụ tốt tham gia vào thị trường, DN cùng ngành trong nước trước sức ép cạnh tranh sẽ nâng cấp mình tốt lên.
Bình luận (0)