Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý và kinh doanh điện

16/08/2018 19:59 GMT+7

Tổng công ty Điện lực miền Nam ( EVN SPC ) đã và đang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Khai thác công tơ điện tử đo ghi từ xa
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết nhằm nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, đến nay tổng công ty đã thực hiện hoàn tất điều khiển từ xa 220 trạm biến áp (TBA) hiện hữu và đang thực hiện điều khiển xa 741/905 thiết bị trên lưới điện trung áp. Đặc biệt, năm 2017 đã hoàn tất chuyển 92 TBA điều khiển xa thành TBA không người trực vận hành, thành lập các tổ thao tác lưu động và tổ thao tác tại trạm. Phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn tất nâng cấp tường rào, cửa cổng, hệ thống truy xuất Rơle từ xa, hệ thống camera giám sát và PCCC... để chuyển tất cả các TBA điều khiển xa thành TBA không người trực.
Đối với việc ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh, EVN SPC đang triển khai phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu công tơ tự động, từ xa; tổ chức quản lý và khai thác theo đặc thù địa lý, hạ tầng viễn thông, loại hình khách hàng, đảm bảo sự đồng bộ, hợp nhất, có tính kế thừa và khả năng mở rộng các hệ thống…
Đến cuối tháng 5.82018, các công ty điện lực đã lắp đặt 2,3 triệu công tơ tích hợp công nghệ PLC, 13.277 bộ tập trung DCU tại 185 điện lực; khai thác đo ghi từ xa (ĐGTX) đạt 1,9 triệu công tơ trên hệ thống (số còn lại tiếp tục khai thác sau khi bổ sung DCU); sản lượng điện thương phẩm khai thác qua hệ thống ĐGTX chiếm tỷ trọng 12% sản lượng điện thương phẩm toàn EVN SPC. Đã lắp đặt và khai thác ổn định hệ thống ĐGTX cho 44.599 công tơ bán điện khách hàng lớn, mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng, kiểm soát hơn 63% sản lượng điện thương phẩm toàn tổng công ty (không tính các TBA khách hàng chong đèn thanh long).
Cung cấp thông tin, dịch vụ mua bán điện trực tuyến
Theo ông Nguyễn Phước Đức, tổng công ty đang triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực công nghệ thông tin giúp đưa EVN SPC trở thành doanh nghiệp điện tử; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; Hướng đến việc cung cấp thông tin, dịch vụ mua bán điện trực tuyến cho khách hàng, giúp cho hoạt động cung cấp điện trở nên minh bạch, đơn giản và phục vụ khách hàng tốt hơn; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện thông minh (Smart Grid).
Ngoài ra, EVN SPC cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành sản xuất và kinh doanh dịch vụ như: Hệ thống thanh toán điện tử thu tiền qua serverbanking và bưu cục, hóa đơn điện tử...; ghi chỉ số, gạch nợ bằng smartphone và ứng dụng máy tính bảng để khảo sát, cấp điện cho khách hàng sau TBA công cộng, trang bị máy in bluetooth để thông báo chỉ số tiêu thụ điện và dự kiến số tiền điện phải trả ngay khi ghi điện xong...
“EVN SPC đặt mục tiêu đến năm 2020 lắp đặt 100% công tơ điện tử có đo xa tại các khu vực quận, thành phố, thị xã, xã đảo và 25% công tơ điện tử tại các khu vực huyện, xã còn lại; toàn bộ công tác thu tiền điện thông qua hệ thống ngân hàng/trung gian thanh toán; tổn thất điện năng đến năm 2020 còn 4,15%; chỉ số SAIDI đến năm 2020 còn 306 phút”, ông Đức nói.
Hiện nay, các Công ty Điện lực Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Đồng Nai và An Giang đã triển khai thí điểm việc thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng/trung gian thanh toán (không thanh toán tại nhà khách hàng). Thời gian tới EVN SPC sẽ tiếp tục lựa chọn thêm khu vực triển khai thí điểm phù hợp để thực hiện không thu tiền điện tại nhà khách hàng. Đến cuối tháng 5.2018, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện qua các ngân hàng/trung gian thanh toán là 2.111.651 khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.