Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 73 năm ngày phòng chống thiên tai, do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức sáng nay 22.5, tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu tác động đến Việt Nam khiến thiên tai có diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội.
Điểm lại 3 năm gần đây, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, năm 2016, thiên tai được ghi nhận ở mức lịch sử như hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long, nam Trung bộ diễn ra gay gắt nhất trong vòng 90 năm gần đây. Thiên tai trong năm 2016 gây thiệt hại gần 40.000 tỉ đồng và làm 264 người chết, mất tích.
Năm 2017, Tổng cục Phòng chống thiên tại cũng ghi nhận có 22 đợt thiên tai (16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới), nhiều đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở vùng núi, đồng bằng. Đây cũng là năm lần đầu tiên Thủy điện Hòa Bình phải xả lũ ở 8/12 cửa xả đáy. Thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra khoảng 60.000 tỉ đồng và làm 396 người chết, mất tích.
Gần đây nhất, năm 2018, trên cả nước cũng ghi nhận xảy ra 16/24 loại hình thiên tai lớn, với các yếu tố cực đoan, khó lường, làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong năm 2019, công tác phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các đơn vị.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh các đơn vị, cơ quan phòng chống thiên tai cần nghiên cứu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trong phòng, chống thiên tai, bao gồm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, đảm bảo truyền tải thông tin tới cộng đồng, người dân, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tổn thất xuống mức nhỏ nhất.
Dịp này, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phát động cuộc thi thiết kế mẫu nhà chống bão lụt. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước thiên tai.
Bình luận (0)