Ứng phó với 'siêu' El Nino thế nào ?

Chí Nhân
Chí Nhân
08/07/2023 06:42 GMT+7

Việt Nam, một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, sẽ bị tác động thế nào bởi hiện tượng EL Nino đang diễn ra và cần ứng phó ra sao?

Không chỉ làm nóng thời tiết

Ngày 4.7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chính thức xác nhận El Nino đang xảy ra, đến 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến nửa cuối năm nay với cường độ tối thiểu ở mức trung bình. Cách đây một tháng (ngày 8.6) Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã tuyên bố "El Nino đã xuất hiện".

Theo CNN, ngày 3.7, Trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ đã ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức cao kỷ lục là 17,01 độ C; kỷ lục cũ là 16,92 độ C (tháng 8.2016). Thông tin này được đồng thời xác nhận bởi Cơ quan Biến đổi khí hậu của EU. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau (4.7) kỷ lục đó bị phá vỡ với mức nhiệt mới ghi nhận được lên tới 17,18 độ C. Các chuyên gia dự báo, kỷ lục này có thể tiếp tục bị phá vỡ nhiều lần trong năm nay khi mùa hè ở bắc bán cầu còn kéo dài kết hợp với hiện tượng El Nino đang xảy ra.

Ứng phó với 'siêu' El Nino thế nào ?  - Ảnh 1.

Người dân cần chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô sắp tới

Công Hân

GS Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, cho biết: "Sự khởi đầu của El Nino sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ đã ghi nhận và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương".

Các chính phủ trên thế giới huy động các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại cả về sức khỏe, hệ sinh thái và kinh tế. Việc cảnh báo và hành động sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến El Nino là rất quan trọng để bảo vệ tính mạng và sinh kế người dân.

Một trong những phản ứng gần như tức thời xảy ra trên thị trường lúa gạo châu Á, 3 nguồn cung chính là Ấn Độ, Thái Lan và VN đồng loạt tăng giá do nhu cầu cao. Cụ thể gạo Ấn Độ đã tăng tới 10 USD với các loại gạo 5% tấm và 25% tấm lên mức tương ứng là 483 USD/tấn và 463 USD/tấn. Gạo Thái Lan tăng 4 USD lên mức 512 USD/tấn và 482 USD/ấn. Còn gạo VN tăng 5 USD lên 513 USD/tấn và 493 USD/tấn. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục ở mỗi nước. Giá gạo được đẩy lên do nhu cầu tiêu dùng và tích trữ tăng cao ở nhiều nước để ứng phó với tình trạng khô hạn sắp tới.

VN sẽ chịu tác động ra sao ?

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, nhận định: El Nino hay La Nina được gọi chung là chu kỳ khí hậu ENSO. Chúng được xem là những công cụ dự báo lâu dài mà khi nhìn vào đó các nhà khí tượng có thể hình dung về những tác động của nó dựa trên kinh nghiệm lịch sử.

Tại VN, chúng ta cũng đã có nhiều cứ liệu lịch sử quan trọng về các đợt El Nino trước. Đợt El Nino năm nay đã được dự báo từ đầu năm 2023 và hiện tại chúng ta đang ở thời kỳ đầu, cường độ còn yếu. Nó đang tiếp tục mạnh lên và đạt cường độ cao nhất vào khoảng tháng 10 - 11.2023 sau đó kéo dài ít nhất đến tháng 3.2024. "Cường độ El Nino năm nay rất mạnh. Có thể gọi là siêu El Nino cũng được", bà Lan nói.

Hiện tại giá lúa gạo đang cao. Bà con nông dân rất dễ đẩy mạnh sản xuất bất chấp hạn mặn gay gắt. Đặc biệt là sản xuất lúa ở các vùng nước lợ. Chính vì vậy, trong bối cảnh này sản xuất ít lúa lại vào giai đoạn cuối năm cũng là một cách thích ứng chủ động, thông minh và hiệu quả.

PGS-TS Lê Anh Tuấn

Theo bà Lan, El Nino gắn với kiểu thời tiết nắng nóng và khô hạn nên về cơ bản năm nay lượng tổng mưa ít và mùa mưa kết thúc sớm. Bên cạnh đó, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta cũng ít hơn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những hiện tượng thời tiết cực đoan lại phổ biến hơn như sẽ có những trận mưa lớn và bão bất thường. Năm 1997 là năm có El Nino mạnh, cả năm chỉ có 3 cơn bão. Nhưng trong đó có cơn bão Linda đổ bộ vào bán đảo Cà Mau, trở thành một trong những cơn bão gây thiệt hại lớn từ trước đến nay.

Bà Lan dự báo: Đối với miền Bắc, giai đoạn hiện tại đang chịu sự tranh chấp của áp thấp nóng Ấn Miến và rãnh thấp gió mùa. Chính vì vậy, dù bị nắng nóng nhưng vẫn xen giữa là các trận mưa. Đặc biệt nên đề phòng các trận mưa lớn bất thường gây nên lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay sẽ ít rét hơn và cường độ của các đợt rét sẽ không sâu như bình thường. Đối với miền Trung, hiện tại vẫn đang là cao điểm mùa nắng nóng. Năm nay nắng nóng sẽ gay gắt hơn và hạn mặn sẽ nghiêm trọng hơn. Cần đề phòng tình trạng hỏa hoạn đặc biệt là cháy rừng. Khu vực này mùa mưa lũ sẽ bắt đầu từ khoảng giữa tháng 9, trùng với mùa mưa bão trên Biển Đông.

Vì thế, giai đoạn này cần đề phòng các trận mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất và lũ quét. Đối với miền Nam tình trạng khô hạn do thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn các năm bình thường. Lưu ý, trong tháng 8 tới sẽ có đợt hạn bà chằn trên diện rộng ở Nam bộ. Từ đầu tháng 11, mưa giảm dần và kết thúc sớm. Cho nên, bà con nông dân cần chủ động điều tiết lịch thời vụ, giống cây trồng cho hợp lý để né hạn mặn.

Chủ động ứng phó

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ, khuyến cáo: Các mặt đời sống, kinh tế, xã hội đều sẽ chịu tác động bởi El Nino và biến đổi khí hậu. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải nhận ra những tác động đó và có kế hoạch ứng phó phù hợp với đặc thù riêng của mình. Ví dụ, ở những nơi thường xuyên có nắng nóng vượt 38 - 39 độ C có thể nghiên cứu điều chỉnh giờ làm việc và giờ học của học sinh lệch với cao điểm nắng nóng. Hay như người dân, đặc biệt ở nông thôn Nam bộ ngay từ thời điểm này nên tranh thủ trữ nước mưa để phục vụ sinh hoạt cho các tháng mùa khô, trữ càng nhiều càng tốt. Những nhà vườn trồng cây ăn trái cũng nên nạo vét kênh, mương, ao để chứa nước phục vụ cho việc tưới tiêu vào các tháng mùa khô.

Đối với ĐBSCL, 1 trong 3 đồng bằng dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, khuyến cáo: Năm nào có El Nino thì mùa lũ sông Mê Kông thấp và sang đến mùa khô năm sau dòng sông Mê Kông yếu. Khi dòng sông Mê Kông thấp thì các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện thì phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới phải chờ, và đập kế tiếp cũng phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn ĐBSCL sẽ rất gay gắt. 

Cách thích ứng tốt nhất trước mắt là chủ động né hạn mặn thông qua việc điều chỉnh lịch thời vụ theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển hồi mùa khô 2020. Về lâu dài cần thực hiện theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng công bố tháng 6.2022. Theo đó, vùng ngọt được lùi vào phía trong còn vùng ngọt - lợ sẽ được trả lại tự nhiên và canh tác theo mùa mặn ngọt chứ không cố chống lại mặn như trước giờ nữa. Khi thích ứng với mặn ngọt theo mùa như vậy thì chúng ta không còn phải bị ám ảnh về mặn mỗi khi mùa khô đến nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.