“Nghe có vẻ điên rồ khi tôi nói với mọi người rằng ung thư là điều may mắn nhất đã xảy ra trong cuộc đời tôi. Mặc dù những cơn đau đớn, phát ban hành hạ,… khiến tôi sợ hãi. Nhưng ung thư đã biến tôi thành một người tốt hơn bao giờ hết”, Trương Thanh Thủy (Quản lý dự án CancerBase tại Viện Nghiên cứu khoa học sinh học Michelson của Trường USC, Los Angeles, Mỹ).
Ung thư dạy tôi yêu bản thân mình hơn
Thanh Thủy (sinh năm 1985, tại TP.HCM), vào năm 2003, cô và gia đình sang Mỹ định cư. Năm 2009, Thủy tốt nghiệp Trường đại học Nam California (USC). Thủy được nhiều người biết đến với biệt danh là “nữ hoàng khởi nghiệp”, biệt danh này do một nhà báo BBC đã đặt cho Thủy khi họ viết bài phỏng vấn cô vào năm 2015. Thủy đã từng khởi nghiệp với nhiều dự án khác nhau và từng là chủ doanh nghiệp Việt đầu tiên được Thung lũng Silicon mua lại.
Tháng 9 năm 2016, trong một lần về Việt Nam làm việc, Thủy phát bệnh phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Vinmec Hanoi và sau đó được Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán là cô bị ung thư phổi. Cuối cùng, Thủy sang Mỹ và xác nhận là căn bệnh ung thư của mình đã ở thời kỳ cuối và không thể chữa dứt được. Hiện tế bào ung thư đã di căn vào xương, nhưng cơ thể Thủy đáp ứng tốt với thuốc nên tế bào có thu nhỏ lại và đang ổn định.
|
Trong quá trình căn bệnh tiến triển, trong một năm qua Thủy cũng như nhiều bệnh nhân ung thư khác, phải vật vã đối chọi với nó.
“Bị những cơn đau kéo dài hành hạ là một việc không thể tránh khỏi, nhất là trong giai đoạn đầu phát bệnh hay là lúc thay đổi cách chữa trị. Khi đó, cơ thể người bệnh rất yếu, và việc có những suy nghĩ tiêu cực cũng là việc rất bình thường. Tôi đã từng nằm trên giường bệnh một tháng, không ăn, không nói được, đi lại cũng khó khăn. Những cơn đau đớn hành hạ hàng đêm, tôi đã rất sợ hãi nhưng thật sự tôi chưa hề buông xuôi”, Thủy trải lòng.
|
Nhưng lúc đó Thủy đã nghĩ, nếu ngày mai mình ăn lại được, mình thích ăn cái gì, nếu ngày mai mình nói lại được, mình muốn nói điều gì, với ai, và nếu có cơ hội để được đi du lịch, còn nơi nào mình muốn đi. Cho nên, khi vượt qua giai đoạn khó khăn đó, Thủy chia sẻ rằng cô bắt đầu suy nghĩ cẩn thận hơn trong những quyết định của mình, lựa lời để nói, và dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và những người mình yêu thương.
“Giá trị sống của tôi cũng thay đổi nhiều, bây giờ tôi không quan trọng việc mình sống được bao lâu, có những tài sản gì, mà quan tâm nhiều hơn đến việc ngày mình ra đi, sẽ để lại được gì cho cuộc sống này. Ung thư dạy cho tôi cách để biết yêu thương bản thân mình hơn và để nhận ra được điều gì là quan trọng nhất với mình trong cuộc sống này”, Thủy tâm sự.
Không đơn độc chiến đấu với ung thư
Theo Thủy, căn bệnh ung thư cũng đã đưa cô quay trở lại USC và làm quản lý dự án nghiên cứu về ung thư CancerBase tại Viện nghiên cứu khoa học sinh học Michelson của trường, với mong muốn một ngày nào đó bệnh ung thư sẽ được chữa khỏi. Hiện nay Thủy còn là chủ dự án dành cho những bệnh nhân ung thư mang tên Salt Cancer Initiative.
|
Thủy cho biết ý tưởng của SCI ra đời với 2 mục đích là dịch, in ấn sách để đưa đến tay người bệnh và tạo những chương trình cộng đồng, diễn đàn bệnh nhân ung thư, kết nối những người bệnh ung thư với nhau. Giúp họ hiểu rõ hơn căn bệnh của mình, cũng như được trải nghiệm, sẻ chia, để không còn ai phải một mình đơn độc chiến đấu với ung thư.
Thủy kể rất nhiều bệnh nhân ung thư đến với chương trình SCI với một tâm lý rất là nặng nề, như là “Tôi bị bệnh như vậy có phải sắp chết không?” “Tôi nghe người này, người kia nói là có loại thuốc thần dược uống vào là khỏi bệnh, tôi có nên bán hết tài sản để chạy chữa hay không?”, nhưng mà khi Thủy hỏi, “Vậy nếu hôm nay bạn khỏi bệnh, bạn sẽ làm gì?”, rồi họ phải suy nghĩ rất là lâu mới trả lời được.
|
“Con người sống trên đời ai rồi cũng sẽ chết, nhưng điều quan trọng là chúng ta sống như thế nào, làm được những gì chứ không phải sống được bao lâu. Thay vì cứ tìm cách ghét bỏ căn bệnh, tìm cách để chữa dứt nó, sao không thử trân trọng và sống cùng với nó. Người sống hạnh phúc không phải là người có tất cả mọi thứ mà là người biết trân trọng những gì mình có”, Thủy rút ra kinh nghiệm.
Mỗi một điều Thủy chia sẻ với chúng tôi đều toát lên được sự lạc quan và niềm trân trọng rất lớn đối với những gì đã xảy ra với cuộc đời cô cho dù đó là buồn đau, là những lúc tưởng như thần chết đã gọi tên mình.
“Hiện nay, nhiều người nói tôi là nguồn cảm hứng cho bệnh nhân ung thư, nhưng tôi cảm thấy những bệnh nhân ung thư mà tôi đã gặp hằng ngày, họ mới là động lực để tôi tiếp tục. Và nếu một bạn trẻ đang đọc được những chia sẻ này, tôi mong bạn nhận ra rằng bạn đang đọc bài báo về một con người, cho dù là bệnh nhân nhưng vẫn sống và làm việc ngày đêm để cống hiến cho cuộc chiến này. Nếu bạn là bệnh nhân ung thư, thì đó là cơ hội để bạn hiểu nhiều hơn về căn bệnh để có thể tiếp tục giúp đỡ bản thân mình và những người xung quanh. Còn nếu bạn là người mạnh khỏe, tôi không cần bạn ngưỡng mộ tôi, tôi chỉ mong bạn làm gì đó cho cuộc đời đáng quý mà bạn đang có được”, Thủy nhắn gửi.
Những hoạt động của SCI
SCI tạo ra những buổi chia sẻ cộng đồng để mời những bác sĩ có uy tín và tấm lòng muốn chia sẻ kiến thức với bệnh nhân ung thư hằng tháng. Hiện nay, SCI đã có 5 chương trình: Yoga hàng tuần cho bệnh nhân ung thư tại Elite Fitness; chương trình Meetup và chia sẻ hằng tháng của Viettel và SCI; chương trình chiếu phim cho cộng đồng ung thư tại Galaxy Cinema tại TP.HCM; lớp vẽ cho trẻ em ung thư ở viện K Tân Triều Hanoi do Me School tổ chức và chương trình dịch, phát sách tại các bệnh viện trong cả nước. |
Bình luận (0)